Cao Đẳng Luật Miền Nam

http://caodangluatmiennam.edu.vn


Người chuyển giới được thay đổi hộ tịch

(PLO) - Thảo luận về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vào cuối tuần qua, bên cạnh đánh giá Dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý có chọn lọc, các giải trình rõ ràng, đầy đủ và thuyết phục, nhiều đại biểu đề xuất hoàn chỉnh thêm một số vấn đề lớn trước khi bấm nút thông qua.
Nên thừa nhận chuyển đổi giới tính vào một đạo luật cụ thể
Chuyển đổi giới tính (CĐGT) là một vấn đề liên quan đến quyền con người, được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận tại kỳ họp trước. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, vấn đề CĐGT theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội... 
Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tách việc CĐGT thành một điều riêng và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính (GT) theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) tán thành với quy định trên vì nó “bảo đảm tính nhân văn và phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”. Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng quy định như vậy giải quyết được những vấn đề phát sinh đối với những người đã chuyển giới. 
Tuy nhiên, ĐB Thu thận trọng: “Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét vấn đề chuyển GT ở góc độ vừa là quyền con người theo Hiến pháp quy định vừa là thực tiễn xã hội đang xảy ra. Xuất phát từ việc không được công nhận quyền chuyển giới như trên, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự với những người đã CĐGT cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành một số hoạt động, điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự cũng như trong quá trình thi hành án hình sự có một số biện pháp cưỡng chế mà khi thực hiện cần căn cứ vào GT của đối tượng để áp dụng như khám người, tạm giữ, tạm giam trong tố tụng hình sự, thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong tố tụng hình sự...”.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thì vẫn băn khoăn vì “điều luật chưa xác định rõ là có thừa nhận việc CĐGT hay không. Tôi cho rằng chúng ta nên thừa nhận hiện tượng này vào một đạo luật cụ thể sẽ điều chỉnh cụ thể”, ĐB đề xuất. Ủng hộ quy định của Dự thảo song ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) mong muốn “pháp luật sớm quy định cụ thể, thấu tình, đạt lý về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho người chuyển giới”.
Siết chặt các quy định về bảo vệ đời tư, bí mật cá nhân
Bàn về vấn đề quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhìn nhận: “Trên thực tế, nhiều trường hợp việc thu thập, lưu giữ, sử dụng hoặc công bố công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, không tuân thủ quy định của pháp luật”. 
Do đó, để đảm bảo tính chặt chẽ, ĐB Minh đề nghị quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó, các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp việc thu thập, lưu giữ, sử dụng hoặc công bố công khai thông tin này theo luật định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Ở góc độ khác về quyền hình ảnh của cá nhân, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng, hiện nay do pháp luật quy định về vấn đề sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo chí rất khác nhau nên dẫn đến trường hợp báo chí sử dụng hình ảnh cá nhân một cách tùy tiện. Và thực tế cũng chưa thấy có trường hợp báo chí xử phạt do đăng ảnh bị cáo tại phiên tòa mà chưa được phép của bị cáo. Do đó, ĐB Hiền đề nghị: “Bộ luật Dân sự quy định rõ thế nào là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng để tránh tùy tiện trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân”.
Liên quan đến vấn đề quyền con người, tại Báo cáo giải trình mới nhất, UBTVQH đã không đưa vào luật về họ, tên và chữ đệm của một số người không được quá 25 chữ cái vào Dự thảo. Việc bỏ quy định này được nhiều ĐB đồng thuận. Tuy nhiên, liên quan đến các vấn đề về hộ tịch như về xác định, xác định lại dân tộc, khai sinh, khai tử cho trẻ sinh ra sau 24h rồi mới chết… các ĐB đề nghị Dự luật cần quy định chặt chẽ, rõ ràng, tránh việc quy định chung chung dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện.
Thu Hằng

Nguồn tin: thuvienphapluat.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây