Cao Đẳng Luật Miền Nam

http://caodangluatmiennam.edu.vn


Xử lý “khoảng trống” pháp lý trong thi hành luật

(Chinhphu.vn) – Nhiều người lo ngại nếu không có đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc xử lý VPHC từ sau ngày 1/7 cho tới khi có đầy đủ các văn bản hướng dẫn sẽ bị "vô hiệu hoá" do “khoảng trống” pháp lý trong xử lý vi phạm hành chính.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) trả lời PV Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này.

 

Để thi hành Luật XLVPHC, Chính phủ cần phải ban hành  bao nhiêu nghị định quy định chi tiết? So sánh với số lượng văn bản trước đây, có gì khác biệt, thưa bà?

Như đã nêu, Luật XLVPHC có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các lĩnh vực quản lý nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến hoạt động kinh doanh của  doanh nghiệp, các hành vi vi phạm là rất đa dạng. Do vậy, trong Pháp lệnh XLVPHC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủy quyền Chính phủ ban hành các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong ngành, lĩnh vực.

Theo đó, trên thực tế hiện đang tồn tại trên 120 nghị định quy định cụ thể về từng hành vi, mức phạt, thẩm quyền phạt trên cơ sở mức phạt tối đa, thẩm quyền phạt tối đa của từng chức danh được quy định trong Pháp lệnh. Trong quá trình xây dựng Luật, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định tất cả các hành vi vi phạm trong Luật này, thậm chí là xây dựng Bộ luật XLVPHC.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy việc pháp điển hóa tất cả các hành vi vi phạm tại các nghị định trong một đạo luật, một mặt không phù hợp xu thế chung, mặt khác rất khó thực hiện nên hoàn toàn không khả thi. Hơn nữa, trong xu thế xây dựng pháp luật hiện nay, việc xử lý vi phạm đang được quy định tại văn bản chuyên ngành, thay vì tập trung tại một văn bản...

Vì lý do trên, Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ quy định các hành vi vi phạm, thẩm quyền và mức phạt cụ thể trong từng lĩnh vực. Như vậy, để Luật đi vào cuộc sống, Chính phủ phải ban hành các nghị định quy định chi tiết để thi hành.

Vấn đề đặt ra là các nghị định phải được xây dựng, ban hành để kịp có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (tức là ngày 1/7/2013) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhưng cũng rất khẩn trương mà các Bộ, ngành phải đảm đương. Vì vậy, việc áp dụng kỹ thuật “một văn bản quy định chi tiết được ban hành để quy định nhiều vấn đề” được ủy quyền trong Luật  được sử dụng triệt để, phù hợp với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, từ hơn 120 nghị định theo đề xuất của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rút xuống còn 56 nghị định sẽ được ban hành để quy định chi tiết thi hành tại Quyết định số 1473/QĐ-TTg.

Kết quả thực hiện Quyết định 1473/QĐ-TTgcủa Thủ tướng như thế nào? Tại sao lại có sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn này, thưa bà?

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3889/QĐ-BTP về việc thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai Luật XLVPHC.

Đến thời điểm này, đã có 49 dự thảo nghị định được xây dựng và được Hội đồng Tư vấn thẩm định tiến hành thẩm định. Hiện Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định chính thức đối với 40 dự thảo nghị định, trong đó, 12 dự thảo đã được Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Chỉ còn lại 4 nghị định chưa hoàn thành việc soạn thảo để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, chỉ tính riêng nhiệm vụ xây dựng thể chế, các Bộ đã kịp hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.

Đây là kết quả chưa từng thấy trong lịch sử xây dựng pháp luật của nước ta.

Nhiều người lo ngại nếu không có đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc xử lý vi phạm hành chính từ sau 1/7 cho tới khi có đầy đủ các văn bản hướng dẫn sẽ bị "vô hiệu hoá". Bà có ý kiến gì về nhận định này? Đến bao giờ sẽ có đầy đủ các văn bản hướng dẫn để Luật đi vào cuộc sống?

Trước hết, phải khẳng định rằng Luật có tới 142 điều, trong đó Quốc hội chỉ ủy quyền Chính phủ quy định cụ thể hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể ứng với từng hành vi; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 4 của Luật) và một số quy định như quy định về chứng từ thu tiền phạt; thi hành quyết định hành chính đối người bị xử phạt chết, mất tích…

Như vậy, các vấn đề cơ bản của Luật như: Thẩm quyền phạt, các hình thức xử phạt, các hình thức khắc phục hậu quả, trình tự thủ tục xử phạt, thẩm quyền tạm giữ người; thẩm quyền khám nơi cất giấu phương tiện vi phạm; các điều kiện miễn, hoãn nộp tiền phạt; quy định nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước… đều được áp dụng trực tiếp.

Đối với một số quy định có lợi cho đối tượng vi phạm, thậm chí đã được áp dụng từ ngày Luật được thông qua theo Nghị quyết số 24/2012/QH13 về việc thi hành Luật XLVP hành chính (ví dụ: không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm; không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự..). Đối với chùm nghị định quy định chi tiết thì riêng các nghị định quy định chi tiết các biện pháp xử lý hành chính (trừ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn), sẽ có hiệu lực vào 1/1/2014, theo quy định của Luật nên không có vấn đề gì.

Riêng đối với các nghị định xử phạt, mặc dù Luật đã tăng mức phạt tối đa, nhưng cần lưu ý rằng việc áp dụng mức phạt tối đa chỉ áp dụng đối với một số hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực quản lý nhà nước và thường do tổ chức gây ra. Và mức phạt tối đa cũng không phải là áp dụng ngay trong giai đoạn hiện nay, mà phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình KT – XH và mức thu nhập trung bình của người dân...

Dự kiến đến tháng 9/2013 các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC (có tới 53 nghị định) mới được ban hành đầy đủ và có hiệu lực thi hành.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2013 (thời điểm Luật XLVPHC có hiệu lực) đến khi các nghị định mới có hiệu lực sẽ có “khoảng trống” pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính, việc áp dụng pháp luật để xử phạt sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, về cơ bản, kể từ ngày 1/7/2013, các quy định của Luật XLVPHC đều được thực hiện, chỉ riêng các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể tương ứng với hành vi là đang được quy định trong các nghị định hiện hành.

Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6/2013 cho phép tiếp tục áp dụng quy định trong các nghị định hiện hành và các biểu mẫu, biên bản kèm theo mà không trái với tinh thần của Luật XLVPHC trong thời gian các nghị định hướng dẫn chưa có hiệu lực.

Lê Sơn (thực hiện)

Nguồn tin: thuvienphapluat.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây