Để tổ chức đi vào hoạt động, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, Trường phải hoàn thiện, đáp ứng tất cả các tiêu chí, trong đó có tiêu chí quan trọng về Chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho từng ngành, nghề đào tạo.
Theo quy định như trên và trên cơ sở chương trình khung của Bộ Tư pháp Trường đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo của 02 nghề trình độ cao đẳng: (1) Pháp luật quản lý hành chính công và (2) Dịch vụ pháp lý. Trong chương trình đào tạo của 02 nghề này, theo sự phân công của Bộ Tư pháp, Trường Cao đẳng Luật miền Nam phụ trách biên soạn 03 giáo trình cho 03 môn học: Luật Hành chính, Luật Tố tụng dân sự, Pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Để đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ, góp phần giúp cho các giáo trình được hoàn thiện, thật sự có chất lượng, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, thực hiện Kế hoạch số 38/KH-TCLVT ngày 08/6/2020 của Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (nay là Trường Cao đẳng Luật miền Nam) về việc Biên soạn Giáo trình Cao đẳng Luật Hành chính, Luật Tố tụng dân sự, Pháp luật về phòng chống tham nhũng, ngày 12/11/2020, Trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến “Dự thảo Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Pháp luật phòng chống tham nhũng, Luật Tố tụng dân sự Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo được thực hiện dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Phụng - Quyền Hiệu trưởng, đồng chủ trì là ThS. Nguyễn Duy Quốc - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Cần Thơ. Về phía đại biểu tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị của tỉnh Hậu Giang như: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và công nghệ, Thanh tra, Hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. Ngoài ra còn có sự tham gia của các văn phòng công chứng, giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ và sự tham dự của thầy cô giáo nhà trường.
TS. Nguyễn Văn Phụng Q. Hiệu trưởng phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Thư ký các Ban Biên soạn của 03 giáo trình đã trình bày tóm tắt quá trình xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở đào tạo luật, từ các chuyên gia là thầy, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức đến từ các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh Hậu Giang,… Theo các báo cáo, đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thiện cơ bản về dự thảo nội dung của 03 giáo trình theo đề cương chi tiết đã được phê duyệt ban đầu. Nội dung các góp ý mà các Ban Biên soạn nhận được đều đã được thành viên của Ban xem xét, chỉnh sửa, tiếp thu, thể hiện sự cầu thị trong nghiên cứu khoa học.
Ban Biên soạn báo cáo quá trình xây dựng dự thảo
Trên cơ sở báo cáo của các Ban Biên soạn, Hội thảo đã tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia. Tổng hợp các ý kiến góp ý chủ yếu xoay quanh về tính phù hợp, thống nhất, toàn diện về mặt nội dung, đặc biệt là phải tạo sự khác biệt với giáo trình đại học và trung cấp luật, trong điều kiện trình độ cao đẳng, trung cấp được xác định là đào tạo nghề như hiện nay thì giáo trình còn phải cung cấp một lượng lớn kiến thức thực hành, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Về hình thưc, đa số đại biểu đề nghị gia cố công phu các lỗi về câu chữ, ngữ pháp, về cách dẫn văn bản tham khảo, trình bày vi tính, rà soát tính thống nhất, cân đối về số trang giữa các chương phù hợp với thời lượng môn học, thống nhất về số lượng câu hỏi củng cố ở mỗi chương và mức độ khó phù hợp với trình độ cao đẳng,…
Đại biểu đóng góp ý kiến
Với sự cầu thị nghiêm túc, TS. Nguyễn Văn Phụng và ThS. Nguyễn Duy Quốc - Chủ tọa Hội thảo đã yêu cầu Ban Biên soạn giáo trình nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo và thông qua Hội đồng thẩm định trong thời gian sớm nhất, đảm bảo sản phẩm phải có chất lượng, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu công phu và đặc biệt là phải có hàm lượng “chất xám lớn”, đáp ứng được yêu cầu đào tạo trình độ cao đẳng pháp luật.