Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Kim Tinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp (đồng thời cũng là chuyên gia cố vấn đề tài), TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, ThS. Nguyễn Duy Quốc - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam. Hội thảo còn có sự góp mặt của chuyên gia cố vấn đề tài là PGS.TS.GVCC. Lê Minh Quân - Nguyên Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thành viên Ban Soạn thảo Từ điển Bách khoa Quốc gia Việt Nam nhằm định hướng đề tài khoa học mang tính ứng dụng. Hội thảo còn có sự tham dự của gần 70 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục, đào tạo, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là có sự tham dự của người thực hiện công tác quản lý nhà nước về tuân thủ pháp luật từ các Sở, Ban, Ngành các tỉnh miền Tây Nam bộ.
TS. Nguyễn Kim Tinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo
Qua quá trình tổ chức thực hiện, Ban Tổ chức Hội thảo đã ghi nhận được 25 bài viết chuyên đề/ tham luận của các tác giả là chuyên gia, nhà khoa học tại các đơn vị quản lý hành chính nhà nước ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ; thu hút sự tham gia nghiên cứu khoa học của các giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực IV, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Chính trị TP. Cần Thơ, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, các Trường Đại học và Cao đẳng trong và ngoài tỉnh Hậu Giang.
TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ phát biểu đề dẫn Hội thảo
Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm đề tài đã thực hiện việc báo cáo đề dẫn Hội thảo. Tiếp đó, dưới sự điều hành của chủ trì Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày các chuyên đề/tham luận, trao đổi, thảo luận nhằm luận giải làm rõ các vấn đề đặt ra liên quan chủ đề Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung đi sâu làm rõ: Bối cảnh và tác động của nó đến hiệu quả tuân thủ pháp luật với nghĩa rộng - nghĩa thực hiện pháp luật của người dân trên địa bàn Tây Nam bộ hiện nay (bối cảnh kinh tế, chính trị, dân số, dân tộc, tôn giáo, đời sống, việc làm, lao động, nghề nghiệp, vị thế, truyền thống văn hóa, dân trí, yếu tố tâm lý - tình cảm, nhận thức pháp luật,...); thực trạng, xu hướng và các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện pháp luật của người dân trên địa bàn Tây Nam bộ hiện nay; những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật của người dân trên địa bàn Tây Nam bộ hiện nay và định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực trạng và giải pháp thực hiện một số Luật của người dân trên địa bàn Tây Nam bộ hiện nay.
Trên cơ sở đánh giá bối cảnh tác động, thực trạng, mục tiêu và yêu cầu thực hiện pháp luật của người dân vùng Tây Nam bộ, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng tình ý thức của người dân là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân, đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều nhóm giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật với nghĩa thực hiện pháp luật của người dân vùng Tây Nam bộ cũng được các đại biểu tham dự Hội thảo đề ra như: Các giải pháp về nhận thức (tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật); các giải pháp về thể chế (quy định, quy tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn, chính sách, tổ chức, bộ máy và cán bộ) nhằm khắc phục những “lực cản, rào cản” về thể chế; các giải pháp về nguồn lực (biện pháp; thời gian, lộ trình - bước đi; điều kiện kinh phí, phương tiện, công cụ) cần thiết cho việc tăng cường cơ hội tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực và hiệu quả tuân thủ pháp luật với nghĩa thực hiện pháp luật; các giải pháp về tổ chức thực hiện (xác định rõ, phân công cụ thể đối với các cơn quan chủ trì, phối hợp thực hiện, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật khi thực hiện các giải pháp; thời gian, thời hạn tổ chức thực hiện,...); và một số kiến nghị cụ thể để thực hiện các giải pháp (những kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương có liên quan đến việc thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật với nghĩa thực hiện pháp luật của người dân).
Trong các nhóm giải pháp nêu trên, các giải pháp về nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Bởi, theo đánh giá của ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp và một số đại biểu thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua được Đảng, nhà nước ta đặc biệt quan tâm đầu tư kinh phí thực hiện nhưng hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Theo các đại biểu, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường và đổi mới để người dân hiểu, tự nguyện chấp hành pháp luật. Muốn vậy, trong công tác tuyên truyền cần phải: bám sát đặc thù của khu vực Tây Nam bộ; chú trọng đa dạng các hình thức tuyên truyền; nội dung tuyên truyền tập trung trọng tâm vào các vấn đề pháp luật mang tính phổ biến với người dân; sử dụng đối tượng tuyên truyền phù hợp (đặc biệt là huy động sự tham gia của các luật sư, trợ giúp viên pháp lý; báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; các nhà sư, linh mục, người có uy tín trong cộng đồng/dân tộc, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở,...). Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng phải là một tuyên truyền viên, phải gương mẫu chấp hành pháp luật cho người dân; mỗi thầy/cô giáo phải là tấm gương trong gương mẫu chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên noi theo,...
TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (đồng chủ trì Hội thảo)
phát biểu tổng kết ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo
Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp cảm ơn ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời khẳng định đây là những thông tin giá trị, góp phần cho Ban Chủ nhiệm xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết hoạt động nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Các giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam bộ hiện nay”. Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Văn Cương kỳ vọng Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ đề xuất các giải pháp bám sát thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân khu vực Tây Nam bộ, góp phần trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Được biết, khu vực Tây Nam bộ (hay còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long) bao gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 40.000 km2 và dân số hơn 17 triệu người. Đây là khu vực với một số nét đặc thù như: có địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đời sống kinh tế người dân cũng chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn; người dân thật thà, chất phác; là nơi sinh sống của đông đảo người dân tộc Khmer với tôn giáo chủ yếu là Phật giáo Nam tông, bên cạnh đó người Hoa và người Chăm cũng là hai dân tộc có dân số đáng kể. Đây cũng là vùng còn nhiều khó khăn, vùng trũng về giáo dục nên trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của người dân nhìn chung còn nhiều hạn chế. Đề tài khoa học cấp Bộ “Các giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam bộ hiện nay” là tâm huyết với khu vực Tây Nam bộ của nhóm tác giả do TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Giáo dục Chính trị - Thể chất và Văn hóa, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (nay là Trường Cao đẳng Luật miền Nam) là Chủ nhiệm Đề tài, kỳ vọng với những giải pháp thiết thực đặt ra sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật, đóng góp quan trọng vào nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong thời gian tới ./.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:
TS. Dương Thành Trung - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tham luận
TS. Nguyễn Thị Hồng Yến - Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tham luận
ThS. Cao Thanh Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang phát biểu tham luận