Phụ huynh than thở
Phần lớn phụ huynh và giáo viên than thở bởi kì xét tuyển năm nay. Năm ngoái, thí sinh (TS) thi xong, biết điểm là biết đỗ hay trượt ĐH. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh, dù có phải tổ chức hai kỳ thi, tốn kém hơn một kỳ thi nhưng tiền bạc bỏ ra để “mua” sự an tâm thì không tiếc.
Tốn kém một chút, đưa con đi thi vất vả một chút nhưng ai cũng thấy thoải mái. Thi xong nửa tháng là biết đỗ hay trượt. Giờ này mọi năm, nhiều gia đình đã tổ chức ăn mừng vì con đỗ ĐH, nhưng năm nay chưa ai dám động tĩnh gì, dù con có điểm thi khá cao.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 19/8, ngay từ sáng sớm, dù trường ĐH chưa mở cửa nhưng nhiều TS và phụ huynh đã chờ trước cửa để nộp và rút hồ sơ.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ ngày 13/8 đến nay lúc nào cũng đông như vậy. Sau khi trường công bố điểm trúng tuyển tạm thời, đã có trên 3.000 thí sinh đến rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
Theo báo cáo của Phòng Đào tạo, ngày 19/8 chốt ca sáng lúc 11h30 đã có thêm 270 hồ sơ nộp vào và cũng gần 300 hồ sơ được rút ra. Tổng số hồ sơ rút ra tính đến hiện tại thì có khoảng 3.800 hồ sơ. Thống kê sơ bộ của trường, 4 ngày gần đây, mỗi ngày có 500-600 hồ sơ rút ra và 200-300 hồ sơ nộp vào.
Còn tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng nhiều TS rút hồ sơ vì lo ngại không trúng tuyển hoặc rút hồ sơ để đăng ký ngành kế toán ở một trường kinh tế khác có mức điểm xét tuyển thấp hơn…
Dù ngày 19/8 việc rút- nộp hồ sơ bớt sôi động hơn so với hai ngày 17 và 18 nhưng điều đó không có nghĩa là tâm lý TS và phụ huynh đã ổn định hơn. Bà Bùi Thị Thúy ở Vĩnh Phúc cho biết, hai mẹ con bắt xe khách từ sáng sớm xuống Hà Nội để rút hồ sơ nộp vào trường khác. Con trai bà được 25 điểm, nộp hồ sơ vào Khoa CNTT và tự động hóa, ĐH Bách khoa.
Những ngày đầu nộp hồ sơ, con bà luôn nằm trong danh sách những TS trúng tuyển tạm thời nhưng đến thời điểm này, cả hai ngành này con trai bà đều trượt. “Con tôi cũng chưa biết nộp hồ sơ vào đâu, chỉ sợ 25 điểm mà nộp trường khác vẫn trượt” – bà Thúy than thở.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Không biết đến bao giờ Bộ mới lường hết được các “sự cố” và người học không còn phải vừa chạy vừa xếp hàng như hiện nay?”. Theo GS, ý tưởng thiết kế một kỳ thi quốc gia là nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho TS nhưng hiệu quả cuối cùng đã không như mong muốn vì tình hình ngày càng phức tạp, theo cái nhìn của dư luận xã hội.
Theo số liệu mới công bố, có khoảng 174.000 cử nhân thất nghiệp và nhiều cử nhân phải đi học thêm trường nghề để có việc làm.
“Vậy đổi mới thi cử là phải làm thế nào để phân luồng tốt, để chốt được bao nhiêu người học nghề, bao nhiêu người học ĐH chứ không phải để tổ chức thi này thi khác, kết hợp này kết hợp khác khiến nhân dân vất vả và các trường ĐH thi nhau tuyển. Không nước nào, với điều kiện tương đương, có tới hơn 400 trường ĐH, CĐ và ai cũng tuyển, cũng đào tạo, trong khi con số thất nghiệp ngày càng tăng. Đổi mới thi cử để phân luồng mới là làm đúng tinh thần Nghị quyết 29!” – GS. Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.
Các trường phải công bố điểm chuẩn trước 25/8
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, trước ngày 25/8, các trường phải công bố điểm chuẩn. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, việc ấn định điểm chuẩn xét tuyển năm nay sẽ không theo quy luật nào. Với những trường top đầu thì điểm chuẩn sẽ rất cao, thậm chí các trường top giữa điểm chuẩn cũng sẽ biến động cao lên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Kết quả qua đợt xét tuyển đầu tiên cho thấy những trường có uy tín, chất lượng có thể tuyển được những TS giỏi nhất. Từ đó, việc phân tầng, xếp hạng hệ thống giáo dục ĐH theo Luật Giáo dục ĐH cũng có cơ sở để thực hiện thuận lợi. Trúng tuyển vào các trường ĐH xếp hạng cao cũng sẽ là niềm tự hào đối với TS. Vì vậy, học sinh sẽ thi đua học tập tốt hơn để vào được trường danh giá”.
Theo Bộ GD-ĐT, việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển chỉ tập trung ở một số ít trường lớn có uy tín. Thực tế chỉ có khoảng 30-40 trường trên tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ của cả nước có sức thu hút mạnh mẽ TS. Nhiều TS ít triển vọng trúng tuyển vào các trường này cũng đã đến các Sở GD-ĐT của địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không đến rút hồ sơ ở trường.
Vì vậy số TS thực tế phải đi lại nhiều không thể so sánh với hàng triệu TS tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm. Việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích so với việc tổ chức kỳ thi trước đây rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho toàn xã hội.
Kỳ thi sang năm nhất thiết phải thay đổi
Trước lo ngại kỳ thi năm 2016 sẽ tái diễn cảnh trên, GS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sang năm tới chưa thể đổi ngay cách tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ được mà vẫn phải thi chung, nhưng phải có một số cải tiến.
Cụ thể, phải để cho TS tự chọn cụm thi của mình, tránh quy định các cụm thi cứng theo ranh giới hành chính; phải để cho các trường ĐH, CĐ được quyền công bố ngay từ đầu phạm vi tuyển sinh của mình; việc công bố điểm nên để cụm thi nào thì công bố điểm cho cụm thi ấy chứ không nên đưa tất cả về Bộ như năm nay. Về lâu dài, việc thi tốt nghiệp nên giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức và không nhất thiết cả nước phải thi vào cùng một ngày. Nên để các trường ĐH, CĐ tự xác định phương án tuyển sinh.
Uyên Na – Văn Tuệ