Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền lương trả cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Các chế độ khuyến khích, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Mức lương tối thiểu là căn cứ để người lao động thương lượng và thỏa thuận tiền lương ghi trong hợp đồng lao động.
Thực hiện quy định của Bộ luật Lao động, trong các năm vừa qua mức lương tối thiểu vùng đã từng bước được điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không gây tăng đột biến chi phí của doanh nghiệp và từng bước tiếp cận nhu cầu sống tối thiểu, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động.
Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Đồng thời, Bộ đang được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 3/2017.
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận ý kiến đề xuất của cử tri để sửa đổi, bổ sung trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động.
Đối với cán bộ, công chức khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang để trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2018.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ