Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự kiến Thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế Quyết định số 76/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Theo quy định hiện hành tại Quyết định 76 thì chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện và trường đại học là 5 năm/lần; đối với trường cao đẳng là 4 năm/lần và trường trung cấp chuyên nghiệp là 3 năm/lần.
Thay vì chia theo từng loại hình trường như trên thì dự thảo quy định chung việc kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường được thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần.
4 bước của quy trình kiểm định chất lượng giáo dục
Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm 4 bước: 1- Cơ sở giáo dục tiến hành tự đánh giá; 2- Cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đề nghị xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 3- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành đánh giá ngoài; 4- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Thay cho quy định hiện hành là: Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nếu có 80% số tiêu chí đạt yêu cầu thì dự thảo đã chia thành các cấp độ công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Cụ thể, cơ sở giáo dục không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nếu có dưới 80% số tiêu chí đạt yêu cầu. Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp độ 1 nếu có từ 80% đến dưới 95% số tiêu chí đạt yêu cầu. Trường hợp có từ 95% trở lên số tiêu chí đạt yêu cầu thì được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp độ 2.
Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp; Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc kiểm định chất lượng giáo dục nhằm góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định; giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Tác giả bài viết: Thu Nga
Nguồn tin: www.baomoi.com
Những tin mới hơn