Theo đó, giải pháp đầu tiên mà Chính phủ đã đưa ra để giải quyết bức xúc của cử tri, là phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, Đề án tiến tới lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, quyết định hỗ trợ 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho một số đối tượng cận nghèo, Đề án khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 – 2020.
Đi cùng với việc phê duyệt các đề án, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh. Tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, mở rộng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến trung ương đến cơ sở.
Nghị định về đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập; xây dựng và thực hiện đề án bác sỹ gia đình, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… cũng đã được tiếp tục triển khai.
Trong lộ trình giải đáp những chất vấn của Quốc hội, Ngành Y tế cũng đã thực hiện công khai giá dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gắn với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến giá dịch vụ y tế mới; bố trí buồng khám, quầy phát thuốc, nơi thu viện phí phù hợp, giảm tối đa thời gian chờ của người bệnh; chấn chỉnh công tác điều trị, hạn chế lạm dụng thuốc, xét nghiệm tại các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hình thành bộ môn Y đức trong các trường đại học, cao đẳng y tế; triển khai xây dựng chuẩn năng lực hộ sinh, điều dưỡng, bác sỹ đa khoa; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; tích cực cải cách hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc; áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện tiêu chuẩn ISO trong công tác khám, chữa bệnh; triển khai thực hiện nhóm giải pháp về chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ y tế; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám, chữa bệnh…
Liên quan đến công tác khắc phục những tồn tại trong quản lý khám, chữa bệnh tư nhân, Chính phủ cho biết đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh , đặc biệt đối với các y, bác sỹ là người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; phát hiện, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định.
Tổ chức nhiều đoàn thanh tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động tại các Sở Y tế. Bọ Y tế đang xây dựng các quy định về việc sử dụng tiếng Việt trong các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố người nước ngoài và về quảng cáo đối với dịch vụ khám chữa bệnh.
Về công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý an toàn thực phẩm ở Trung ương và các tỉnh, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm.
Chính phủ báo cáo trong 5 tháng đầu năm, đã xảy ra 50 vụ ngộ độc thực phẩm với 1238 người mắc, trong đó tử vong 15 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 13,8% số vụ, 32,4% số người mắc, số tử vong tăng 2 người (15,4%).
Tác giả bài viết: Nhật Thanh
Nguồn tin: phapluatvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn