Theo dự thảo đề án được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành ngày 24-6, giải pháp đề ra là kiên quyết ngăn ngừa, không để xuất hiện những văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành mà trong đó có quy định thêm về tổ chức, bộ máy; quản lý và sắp xếp lại các tổ chức cấu thành của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện, xóa bỏ các tổ chức trung gian.
Theo dự thảo đề án, từ nay đến 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế CBCC, viên chức; xác định rõ vị trí việc làm để có cơ sở quản lý biên chế; tiêu chuẩn hóa chức danh lãnh đạo, quản lý và các chức danh công chức, viên chức. Những vị trí việc làm mang tính thời vụ, tính giai đoạn sẽ không được giao biên chế. Sẽ cắt bỏ, không giao biên chế cho các tổ chức, đơn vị thành lập không đúng thẩm quyền.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc một người kiêm nhiệm nhiều chức danh, xác định và thể chế hóa và thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó. Đề án đề ra việc đổi mới cơ chế đánh giá công chức, viên chức theo nguyên tắc đề cao thẩm quyền gắn với trách nhiệm của cấp trên trong đánh giá nhân sự cấp dưới.
Đáng chú ý, dự thảo đặt ra tiêu chí kiểm soát việc tăng biên chế: Số được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số biên chế đưa ra khỏi công vụ do tinh giản biên chế. Như thế, phải giảm hai người mới được tuyển dụng một người.
Đề án cũng nêu ra một số giải pháp để xử lý số người được đưa ra khỏi công vụ do tinh giản biên chế. Họ có thể được nghỉ hưu trước tuổi; được đào tạo lại, bồi dưỡng để chuẩn hóa hoặc chuyển nghề sau khi đi học. Kèm theo đó là cơ chế khuyến khích họ chuyển sang các tổ chức không hưởng lương ngân sách.
Đề án đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện là một nhánh nhỏ, đã được lồng ghép vào đề án “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” mà Hội nghị Trung ương VII thảo luận đầu tháng 5.
Tại hội nghị này, trung ương đã mổ xẻ, phân tích nhiều mặt hạn chế của đội ngũ CBCC, viên chức: Số lượng biên chế tăng không ngừng nhưng hầu hết các cơ quan đều ở tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ. Việc tuyển dụng, nâng ngạch chưa đáp ứng yêu cầu và còn tiêu cực. Chính sách với con người, nhất là tiền lương, chưa khuyến khích cán bộ làm việc tốt, có hiệu quả, chưa thu hút được người tài…
Nghĩa Nhân
Theo Pháp luật TP
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn