Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định như vậy tại cuộc họp báo chiều 1-8 do Bộ GD-ĐT tổ chức về ý kiến của bà Nguyễn Thị Doan - phó chủ tịch nước - tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc tổ chức đặt ra vấn đề “có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT không?”
>> Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT
Trước mắt không bỏ thi
Trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo về quan điểm của lãnh đạo bộ trong việc nên hay không nên tổ chức thi trong điều kiện giáo dục hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Trước mắt trong những năm tới sẽ không bỏ thi. Nhưng Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cải tiến để kỳ thi tới gần hơn cái đích “thực chất, nghiêm túc, khách quan và gọn nhẹ”.
“95-98% đỗ tốt nghiệp khi tổ chức kỳ thi trong bối cảnh hiện nay vẫn tốt hơn 95-98% đỗ tốt nghiệp theo phương pháp “xét cho đỗ”. Có một bộ phận học sinh hiện nay chỉ có thi mới học. Nên bây giờ mà bỏ thi ngay, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ xuống” - Thứ trưởng Hiển trao đổi.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải thích thêm cho quan điểm trên rằng xã hội hiện nay vẫn quá coi trọng bằng cấp, việc phân luồng sau THCS chưa hiệu quả, tính tự giác của người học không cao, bệnh thành tích vẫn còn nên cho tới khi có một sự đổi mới mang tính hệ thống từ chương trình, phương pháp dạy học, đánh giá, phân luồng, định hướng nghề nghiệp và đổi mới tuyển sinh ĐH - CĐ thì kỳ thi tốt nghiệp THPT với ý nghĩa tổng kết 12 năm học tập của học sinh phổ thông vẫn phải duy trì.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiển thừa nhận việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT vẫn còn “chưa đạt được yêu cầu đặt ra” dù Bộ GD-ĐT những năm gần đây đã có những nỗ lực nhằm khắc phục tiêu cực. Năm 2013, nhiều giải pháp đồng thời đã được áp dụng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát tiêu cực, trong đó thái độ kiên quyết của Bộ GD-ĐT đối với sai sót, bất cập trong tổ chức kỳ thi của các sở GD-ĐT cũng là một yếu tố để các địa phương có ý thức chấn chỉnh.
“Không phải cứ không quản được, không đạt yêu cầu thì bỏ. Vì việc bỏ kỳ thi sẽ liên quan tới nhiều yếu tố trong quá trình dạy học, chất lượng học cần được nghiên cứu thận trọng” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí về ý kiến “Nên hay không việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, thay cho việc “bỏ thi” thì nên giải quyết những bất cập bên trong kỳ thi như thế nào?”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã giao các địa phương tổ chức kỳ thi. Bộ chỉ làm công việc ra đề thi và thanh tra, hậu kiểm.
Trong những năm tới, khi kỳ thi vẫn được duy trì, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục có những cải tiến để đảm bảo đánh giá được trình độ của học sinh, giáo viên, từ đó có những chỉ đạo trở lại nhằm nâng chất lượng giáo dục.
“Tiêu cực giảm sẽ khiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp có thể giảm. Nhưng khi chất lượng giáo dục, điều kiện giáo dục được nâng lên thì kết quả tốt nghiệp cũng sẽ nâng lên. Khi nào “hai đầu” đó gặp nhau thì sẽ đạt được mục tiêu thực chất” - Thứ trưởng Hiển nói.
Việt Nam không phải ngoại lệ Việc nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không là vấn đề khó mà nhiều quốc gia đang phải nghiên cứu. Nga đã bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng nay đang nghiên cứu việc khôi phục kỳ thi. Ở Mỹ, số lượng bang duy trì và khôi phục kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Năm 2005 có 22 bang tổ chức thi, nhưng nay có 28 bang tổ chức thi. Nhưng cũng có quốc gia như Pháp đang xem xét việc bỏ kỳ thi. Vì thế việc VN đặt ra chuyện nên duy trì hay bỏ thi tốt nghiệp THPT cũng là câu chuyện không phải ngoại lệ so với các quốc gia khác. Vì thế cần phải nghiên cứu và cân nhắc rất kỹ việc này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT |
Bộ GD-ĐT đã lắng nghe
Tại cuộc họp báo, trả lời trực tiếp vào nội dung Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD-ĐT hiểu ý kiến của Phó chủ tịch nước là một gợi ý cho Bộ GD-ĐT tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu đổi mới các kỳ thi nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung. Phó chủ tịch nước không chỉ đạo, không đưa ra yêu cầu phải “bỏ kỳ thi”.
Theo Thứ trưởng Hiển, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã lắng nghe nhiều ý kiến liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH - CĐ. Có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, duy trì thi tuyển sinh ĐH - CĐ, có ý kiến ngược lại. Cũng có những ý kiến đề nghị “gộp hai kỳ thi thành một”.
Bộ GD-ĐT cũng biết hai kỳ thi trên có sự tương đồng dù mức độ, mục tiêu khác nhau, thời gian tổ chức thi lại quá gần khiến dư luận bức xúc. Chính vì có sự liên quan nên việc đổi mới thi không chỉ là vấn đề của phổ thông mà cần xem xét đổi mới tuyển sinh ĐH - CĐ, điều chỉnh công tác phân luồng, nội dung chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học...
“Bộ GD-ĐT đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án đổi mới giáo dục. Trong đề án này sẽ có những đề án con như đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, đổi mới thi cử.... Hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn đang chuẩn bị việc này. Nếu trung ương có nghị quyết về đổi mới giáo dục thì đề án sẽ chính thức triển khai. Đổi mới các khâu của giáo dục sẽ nằm trong đề án chung này” - Thứ trưởng Hiển cho biết.
VĨNH HÀ
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn