Chỉ có thể “đọc lướt trước khi trình”
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, công việc điều hành của bộ, ngành, chính phủ rất nặng nề, nên cần xem lại việc phân cấp, phân quyền để Trung ương có thời gian hơn cho việc xây dựng luật.
Bộ trưởng Vinh chê các Sở Tư pháp không làm luật mấy, không thẩm định nhiều, nhưng vai trò kiểm soát thực hiện luật cũng không ăn thua. Người điều hành quan trọng cấp cơ sở lại không nắm được pháp luật, rất lơ là, khi quyết lại theo ý muốn. Bộ trưởng Vinh đề nghị rất cần phải lập các phòng pháp chế, để thực hiện tốt công tác tham mưu.
“Hiện nay việc điều hành phải dựa trên quy định của luật, vì mình đang xây dựng pháp quyền. Chứ cứ chỉ nói dựa trên tư cách Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng không ăn thua, nói không ai làm” – ông nói.
Bất chấp những khó khăn trên, Bộ trưởng Vinh cam kết với Thủ tướng sẽ không nợ bất kỳ nghị định, thông tư nào; bất kể luật nào mới sẽ được Bộ ban hành ngay văn bản hướng dẫn. Song, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Bộ KH&ĐT vẫn cần phải làm nhanh hơn, như nghị định phân công quyền chủ sở hữu đích thân Thủ tướng phải ngồi với Cục doanh nghiệp 2-3 ngày mới ban hành được.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Lao Động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị cần tăng cường bộ phận pháp chế cho các bộ, ngành, vì: “Khối lượng văn bản của một bộ quá lớn nên thường chỉ có thể đọc lướt trước khi trình Thủ tướng do không có thời gian”.
Làm luật chưa tốt không thể đổ tại “kinh phí”
Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng làm luật thấp được một bộ trưởng chỉ ra là do “chi phí làm văn bản luật quá thấp, nên khó có thể tổ chức nhiều hội nghị hội thảo để tập hợp ý kiến phản biện rộng rãi của các bộ, ngành và chuyên gia, dẫn đến chất lượng làm luật không tốt.
Thủ tướng khẳng định: Viện nguyên nhân chậm làm luật do thiếu kinh phí là không chấp nhận được. “Chức năng nhiệm vụ quan trọng của chính phủ mà nói do thiếu kinh phí là không được, vì không phải là không có. Nếu thiếu năm 2014 thì ứng trước ngân sách 2015 để làm.” – Thủ tướng chỉ đạo.
Kiên quyết 2014 không để nợ văn bản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 2 năm 2012-2013 tình hình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật có tích cực hơn, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nợ đọng. Nguyên nhân do ý thức của Bộ, ngành chưa cao, bộ máy quản lý còn nhiều bất cập.
Thủ tướng nêu ví dụ một nghị định bị kẹt mấy tháng trời giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính, chỉ vì từ ngữ chưa chuẩn xác. Thủ tướng yêu cầu khi có vấn đề, các bộ trưởng phải ngồi lại với nhau, chứ cứ “chiến đấu” trên văn bản thì mãi không thể giải quyết được.
Năm 2014, Chính phủ phải ban hành 182 văn bản, nhiệm vụ khá nặng nề. Thủ tướng yêu cầu nghị định nào thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Kiên quyết không để Bộ, ngành nào nợ văn bản. Thủ tướng nhắc nhở: “Bây giờ nhà nước hoạt động theo pháp luật, đồng chí giám đốc Sở không nắm được pháp luật thì gay go, tham mưu sao được”.
Thủ tướng yêu cầu xúc tiến việc thực hiện các Luật An toàn Thông tin, Luật Báo chí và Luật Tiếp cận Thông tin. “Không có luật này không được. Thời đại thông tin nên quyền của người dân là phải được tiếp cận. Xã hội phải càng minh bạch càng tốt. Còn cái gì bí mật phải giữ cho nghiêm, ai vi phạm thì xử lý. Phải kiên quyết làm” – Thủ tướng nói.
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn