Hội thảo thu hút được sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, đại diện của các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang như: Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang, các Phòng Tư pháp và đại diện tư pháp cấp xã trên địa bàn tỉnh; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh như: Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh Hậu Giang, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy; các đơn vị sử dụng lao động của Trường như: Chi nhánh Văn phòng Luật sư Thuận Nguyễn - tỉnh Vĩnh Long, Văn phòng Luật sư Hữu Nhân - tỉnh Hậu Giang; sự góp mặt của đông đủ thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường. Về phía Trường Trung cấp Luật Vị Thanh có sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường, cùng với sự tham dự của toàn thể giáo viên và cựu học viên của Trường.
Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng khoa Khoa Đào tạo cơ bản đã trình bày Đề dẫn của Hội thảo. Theo đó, kể từ khi được thành lập, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh hoạt động theo Luật Giáo dục, Điều lệ Trường Trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các quy định của pháp luật có liên quan; chịu sự lãnh đạo, quản lý toàn diện và trực tiếp của Bộ Tư pháp; sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, với sự ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015) thì bắt đầu quy định cả hai trình độ trung cấp và cao đẳng này sẽ phải sáp nhập quy về một đầu mối quản lý nhà nước về chuyên môn là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường Trung cấp Luật Vị Thanh cũng nằm trong vòng xoay này, tức là sẽ chuyển đổi hoạt động từ giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trước đây sang giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý chuyên môn. Việc giao cấp quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về một mối cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hết sức cần thiết, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội thuận lợi để chỉ đạo một cách nhất quán nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người học. Tuy nhiên, thức đặt ra cũng rất nặng nề, bởi “bài toán” mà các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng trước đây thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung và Trường Trung cấp Luật Vị Thanh nói riêng là cần thiết phải có những thay đổi căn bản để hội nhập, để ổn định và để tiếp tục phát huy những hoạt động tiêu biểu của đơn vị mình. Như vậy, điều quan trọng là làm thế nào để chuyển đổi toàn diện (chuyển đổi hoạt động, chuyển đổi mô hình đào tạo phù hợp...) để tạo chuyển biến thật sự về chất lượng đào tạo, chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải gắn với thực tiễn, với việc làm, với lao động và với thu nhập cho người học sau khi tốt nghiệp, qua đó tiếp tục thu hút người học đối với chương trình đào tạo của riêng các cơ sở đào tạo, trong đó đặc thù là chương trình đào tạo trình độ Trung cấp ngành Pháp luật mà Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đang đảm trách thực hiện nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Bộ Tư pháp giao.
Việc tìm ra “giải đáp” cho những “bài toán” đặt ra như trên sẽ là “chìa khóa” quan trọng để Trường Trung cấp Luật Vị Thanh xác định được các bước đi qua từng nấc bậc, xác định được các bước chuẩn bị một cách tuần tự để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức. Mặc dù vấn đề“chuyển đổi mô hình đào tạo Trung cấp Luật theo hướng thực hành nghề” không phải là vấn đề hoàn toàn mới và xa lạ với Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, bởi lẽ góc nhìn này đã được xác định và định hướng tại Hội thảo khoa học cấp Bộ năm 2014 do Trường đăng cai tổ chức với sự chủ trì của TS. Lê Tiến Châu - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường và hiện là Thứ trưởng Bộ Tư pháp với chủ đề “Các giải pháp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp Luật”. Tại đây, giải pháp về sự chuyển đổi mô hình đào tạo Trung cấp Luật theo hướng thực hành nghề đã được nhìn nhận về tính tất yếu của con đường chuyển đổi mô hình đào tạo cho Trường Trung cấp Luật Vị Thanh nói riêng và cũng như đối với các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp nói chung. Do vậy, trước bối cảnh thay đổi cơ chế về quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp thì Trường Trung cấp Luật Vị Thanh tiếp tục kế thừa định hướng về việc chuyển đổi mô hình đào tạo tại Hội thảo Khoa học cấp Bộ năm 2014 nhằm tổ chức triển khai một cách đồng bộ trên thực tế, tìm ra những giải pháp, cách thức và phương pháp thực hiện cụ thể.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua việc nhận được 04 bài viết chuyên đề, 14 bài viết tham luận của 18 tác giả và nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết của quý đại biểu đối với sứ mệnh của Trường trong chặn đường mới với nội dung phong phú được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, làm rõ từng khía cạnh pháp lý để triển khai thực hiện trên thực tiễn, mang đến cho Trường Trung cấp Luật Vị Thanh những định hướng đúng đắn và những cách làm thiết thực, tạo “thế” và “lực” sẵn sàng trong lộ trình chuyển đổi từ giáo dục thường xuyên sang giáo dục nghề nghiệp thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Với phương châm thảo luận thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ và hiến kế cho Trường Trung cấp Luật Vị Thanh trong giai đoạn chuyển tiếp này - giai đoạn lịch sử đánh dấu bước ngoặt thay đổi quan trọng đối với Trường, đặc biệt đối với một số vấn đề trọng tâm như:
Thứ nhất, về công tác tuyển sinh đào tạo: Hội thảo đã trao đổi đầy trách nhiệm và có chiều sâu đối với những cơ chế và giải pháp đặc thù trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo khi thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo Trung cấp Luật theo hướng thực hành nghề, bởi lẽ khi chuyển đổi đăng ký hoạt động sang giáo dục nghề nghiệp thì một trong những chìa khóa quan trọng trong công tác đào tạo là làm sao Trường có thể gắn với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động để đào tạo đáp ứng về yêu cầu ngành nghề, chất lượng đầu ra của người học được đánh giá cao.
Thứ hai, về xây dựng chương trình đào tạo: Đúc rút những vấn đề then chốt như: (i) Vấn đề xây dựng và áp dụng mô hình thực hành nghề đối với các học phần trong chương trình đào tạo gồm các học phần chung, học phần cơ sở, học phần chuyên môn; (ii) Việc lựa chọn thời gian khóa học và đơn vị thời gian trong chương trình đào tạo cho phù hợp; (iii) Vấn đề liên thông, học tiếp của người học có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Thứ ba, về chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục nghề nghiệp: Đây vấn đề then chốt và luôn giữ vai trò tiên quyết đối với bất kỳ tổ chức, cơ quan nào đó là vấn đề về nguồn nhân lực trong mỗi đơn vị. Muối đổi mới giáo dục nghề nghiệp thì trước tiên phải rà soát, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Các giải pháp trao đổi để kiện toàn và hoàn thiện chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên Nhà trường là gì và cơ chế tổ chức thực hiện để tạo nên bước đột phá về đội ngũ được tập trung thảo luận.
Thứ tư, về kỹ năng nghề nghiệp cần trang bị cho người học: Hội thảo đã chú trọng trao đổi về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng và thực hiện giảng dạy theo mô hình thực hành nghề phù hợp đối với từng môn học đặc thù khi chuyển đổi; bổ sung những kỹ năng nghề và phương pháp làm việc trên thực tế cần được trang bị cho người học để đáp ứng yêu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp (đối với vị trí việc làm của chức danh công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, Thư ký thi hành án, nhân viên pháp lý Văn phòng luật sư, nhân viên pháp lý Văn phòng Thừa phát lại, nhân viên pháp lý làm việc tại các doanh nghiệp,...).
Từ những kết quả đạt được, TS.Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến quý đại biểu đến tham dự và chia sẻ tâm huyết với Trường trong chặng đường này để giúp Trường có thể tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội; nhanh chóng bắt nhịp, nắm rõ được phương hướng và mục tiêu cũng như kế hoạch tuyển sinh, đào tạo trong thời gian tới trên chặng đường “Chuyển đổi mô hình đào tạo Trung cấp Luật theo hướng thực hành nghề”; tạo sự đột phá với những chuyển biến thực chất về chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với thực tiễn, với việc làm, với lao động và thu nhập; triển khai đồng bộ các giải phảp, tạo bước cơ chuyến biến cơ bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tin tưởng giao phó./.