Tham dự Hội nghị là đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, các Trường Cao đẳng, Trung cấp ở địa phương cùng toàn thể công chức, viên chức và học viên của Trường.
Với vai trò là một báo cáo viên, đồng thời là cán bộ công tác trong ngành Tư pháp, TS. Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, kiêm Hiệu trưởng Nhà trường đã triển khai những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 - một đạo luật cơ bản của đất nước. Ông Lê Tiến Châu cũng nêu rõ quá trình hình thành và đổi mới của Hiến pháp qua các thời kỳ lịch sử. Với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta sửa đối Hiến pháp một cách cơ bản và toàn diện, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã được Quốc Hội thông qua vào ngày 28/11/2013 với nhiều đổi mới mang tính chiến lược, khả thi và pháp lý, khắc phục tính chất khẩu hiệu so với các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung trước đây. Với cơ cấu gọn nhẹ gồm 11 Chương và 120 Điều (giảm 1 chương và 27 Điều), Hiến pháp khẳng định mạnh mẽ, đanh thép chế độ chính trị, chủ quyền lãnh thổ, vai trò lãnh đạo của Đảng trong khuôn khổ pháp luật và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc chống thế lực thù địch trong suốt quá trình phát triển và hội nhập; nâng cao tính dân chủ pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, bảo đảm minh bạch, linh hoạt, trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền lực được trao.
TS. Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, kiêm Hiệu trưởng Nhà trường đã triển khai những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013
Tiếp theo, ông Nguyễn Văn Thìn - Trưởng phòng Giá đất Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đã trình bày những nội dung đổi mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2013 gồm 14 Chương với 212 Điều (tăng 7 Chương và 66 Điều so với Luật đất đai năm 2003) xung quanh các nội dung: căn cứ để xác định loại đất; cụ thể hóa các quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; việc điều tra cơ bản, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội; các nguyên tắc, nội dung mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch; các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về giá đất; thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất; công tác giám sát, đánh giá và theo dõi về việc quản lý và sử dụng đất đai. Nội dung của Luật đã thể chế hóa đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Thìn - Trưởng phòng Giá đất Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang triển khai những nội dung đổi mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2013
Hội nghị triển khai Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 là hoạt động thiết thực trong kế hoạch thực hiện Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong năm 2013 của Trường Trung cấp Luật Vị Thanh. Qua đây cũng đã khẳng định sự đóng góp tích cực của Nhà trường trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành nói riêng và của toàn Đảng, toàn dân nói chung, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quá trình phát triển toàn diện của đất nước với những chuyển biến mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới.