Tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao kết quả học tập cho người học Trung cấp Luật”
Thứ tư - 30/09/2015 05:45
Sáng ngày 29/9/2015, các Khoa chuyên môn đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao kết quả học tập cho người học Trung cấp Luật tại Trường Trung cấp Luật Vị Thanh” với sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Phụng – Hiệu trưởng chủ tọa buổi Tọa đàm cùng toàn thể giáo viên Trường.
Thông qua buổi Tọa đàm nhằm đánh giá, nhìn nhận lại kết quả đào tạo Trung cấp Luật qua các khóa từ khi thành lập đến nay, đồng thời nêu những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên và các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hơn nữa kết quả học tập cũng như chất lượng đào tạo của Trường trong thời gian tới.
Qua báo cáo thực trạng kết quả học tập của các lớp Trung cấp Luật hệ chính quy, vừa làm vừa học được đào tạo đã tốt nghiệp tại Hậu Giang và các tỉnh liên kết Bến Tre, Sóc Trăng và Tiền Giang từ Khóa I đến Khóa III do cô Trần Thị Tỵ - Giáo viên Khoa Đào tạo Cơ bản trình bày, toàn thể giáo viên tham dự phát biểu ý kiến đóng góp tập trung xoay quanh 5 vấn đề: Đối tượng người học (khâu tuyển sinh đầu vào); Giáo viên giảng dạy; Chương trình đào tạo; Tài liệu học tập, nghiên cứu; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Từng vấn đề cụ thể cần đưa ra ưu, khuyết điểm và giải pháp khắc phục.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến phát biểu của toàn thể giáo viên với tinh thần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế và các giải pháp đưa ra thiết thực, hiệu quả. Cụ thể:
- Đối tượng người học: Cần nâng cao ý thức học tập của người học thông qua Quy chế, Nội quy của Nhà trường. Phải có cơ chế kiểm tra, quản lý chặt chẽ thời giờ lên lớp và tác phong của học sinh, học sinh. Xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh, tích cực tạo tâm lý thoải mái và kích thích tinh thần ham học hỏi, sáng tạo của người học.
- Giáo viên giảng dạy: Tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng và phương pháp giảng dạy; phân loại, đánh giá đối tượng người học từ đó áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau tạo không khí lớp học vui tươi mà hiệu quả. Tùy từng đối tượng cụ thể mà sử dụng phương pháp kiểm tra, đánh giá thi kết thúc học phần vừa đảm bảo đánh giá chuẩn xác năng lực của học sinh, vừa kiểm tra được mức độ tiếp thu và nắm bắt được kiến thức môn học. Nội dung kiểm tra, đánh giá phải bám sát nội dung, chương trình giảng dạy không đánh đố học trò. Phải có khảo sát ý kiến của người học về giáo viên giảng dạy. Giáo viên phải tham gia đi thực tế, bổ sung các tình huống thực tế vào bài giảng giúp người học nắm bắt kiến thức lý thuyết và có thể vận dụng vào thực tế.
- Chương trình đào tạo: Ngoài việc bám sát theo giáo trình dành cho hệ Trung cấp, giáo viên có thể tham khảo các tài liệu liên quan khác làm phong phú thêm nội dung bài giảng.
- Tài liệu học tập, nghiên cứu: giáo viên phải cung cấp tên giáo trình, sách, văn bản pháp luật... cần thiết để phục vụ môn học. Đề xuất bổ sung tài liệu nghiên cứu cho thư viện để phục vụ tốt hơn nhu cầu của giáo viên và học sinh.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập: Cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị phòng, khoa để có sự điều phối, sắp xếp phòng học và chuẩn bị các thiết bị dạy học chu đáo theo lịch học của các lớp.
Kết thúc buổi Tọa đàm, thầy Nguyễn Văn Phụng đã kết luận một số vấn đề trọng tâm nhằm nâng cao kết quả của người học trong thời gian tới: (1) Đề nghị các giáo viên tiếp thu nghiêm túc các giải pháp đề ra; (2) Xây dựng và triển khai một cách có hiệu quả Quy chế đào tạo, chương trình đào tạo, Quy chế quản lý học sinh, học sinh ngay từ đàu năm học; (3) Hàng năm, sơ kết đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên; (4) Cập nhật ngân hàng đề thi đảm bảo tính phù hợp đối tượng người học và đảm bảo kiến thức môn học; (5) Cần xây dựng và giữ vững mối quan hệ giữa Nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý và giáo dục học sinh, học sinh; (6) Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học; (7) Phải có tổng kết, đánh giá đối với việc đổi mới phương pháp đánh giá, kiểm tra và phải có lộ trình thay đổi từng môn cụ thể; (8) Nghiên cứu chế độ giảng dạy “song giảng” nhằm phát huy tối đa sở trường của giáo viên trong từng lĩnh vực cụ thể./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Tỵ