Tham dự hội nghị còn có Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán Bộ Nguyễn Ngọc Vũ, , đại diện Văn phòng Bộ, lãnh đạo 5 trường trung cấp luật trực thuộc Bộ là: Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc và Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột.
Công tác đào tạo: đảm bảo tiến độ, chất lượng
Tại hội nghị, các Trường Trung cấp Luật đã trình bày báo cáo kết quả công tác quý I năm 2019. Cụ thể, các trường đã cơ bản triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2019 đúng tiến độ, đạt chất lượng. Trong công tác tuyển sinh, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã triển khai công tác tuyển sinh trung cấp luật, tập trung tại địa bàn Quảng Trị và nhận được 150 đăng ký tham gia xét tuyển. Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị đào tạo khác tuyển sinh các lớp liên thông lên đại học luật, văn bằng 2 đại học luật, cao học luật, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng, trung cấp chính trị.
Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên đã tuyển sinh được 169 học sinh, phối hợp với các đơn vị liên quan chiêu sinh và tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ hộ tịch cho các công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã, phường; tổ chức lớp bồi dưỡng cho công chức cấp xã, huyện về việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Tại Trường Trung cấp Luật Tây Bắc, đơn vị này đã thực hiện 13 đợt đi tuyên truyền tuyển sinh tại các tỉnh Sơn La và Lai Châu; mở lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho công chức tư pháp – hộ tịch.
Cũng trong quý I năm 2019, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đang triển khai công tác tuyển sinh và tiếp tục phối hợp với các đơn cơ sở giáo dục chiêu sinh các lớp liên kết đại học, nghiêp vụ như: Đại học luật; nghiệp vụ công chứng, luật sư, sư phạm, sư phạm dạy nghề; bồi dưỡng kiến thức Quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực, hòa giải cơ sở, bồi dưỡng nghề công chứng…
Đối với công tác đào tạo, các trường trung cấp luật đã xây dựng kế hoạch đào tạo học II năm học 2018 – 2019 và triển khai tổ chức đào tạo cho các lớp, các khóa đúng thời hạn và tiến độ đào tạo. Trường Trung cấp Luật Đồng Hới hiện đang đào tạo 714 học sinh, học viên. Trong đó có 665 học sinh hệ trung cấp (251 du học sinh Lào) và 49 học viên liên thông đại học luật. Trường Trung cấp Luật Tây Bắc đào tạo 354 học sinh học sinh trung cấp luật và tiếp tục quản lý các lớp đào tạo liên kết với 400 học viên. Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đang đào tạo 481 học viên, học sinh. Còn tại Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, hiện đang tổ chức đào tạo theo chương trình 4 khóa với 17 lớp trung cấp luật với 587 học sinh. Đơn vị này cũng đang tiếp tục liên kết với các cơ sở giáo dục đào tạo 10 lớp liên kết như đại học luật, nghiệp vụ công chứng, luật sư, thừa phát lại… với 430 học viên.
Ngoài ra, các trường trung cấp luật cũng chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, đăng ký nhiều đề tài và triển khai thực hiện. Công tác quản lý, sử dụng tài chính được thực hiện theo đúng trình tự, kế hoạch hợp lý và theo quy định của Bộ Tư pháp.
Đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về nhân lực của ngành, của xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, các trường cũng trình bày những khó khăn, hạn chế vướng mắc gặp phải trong quá trình hoạt động như nhu cầu đào tạo trung cấp luật ngày càng ít, biên chế ít, đầu vào của học sinh chất lượng thấp.
Tại hội nghị này, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận sôi nổi để tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo và có ý kiến đề nghị xây dựng lên 3 Trường Cao đẳng Luật trên cơ sở 3 Trường Trung cấp Luật hiện tại là Vị Thanh, Đồng Hới và Thái Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của 5 Trường Trung cấp Luật trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2019. Các trường đã rất tích cực trong vấn đề liên kết đào tạo văn bằng 2, liên thông đại học luật, vấn đề bồi dưỡng công chức Tư pháp - hộ tịch đã được thực hiện tốt tại nhiều địa điểm khó khăn về kinh tế xã hội, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt là đối với các Trường Trung cấp Luật phát triển, nâng cấp lên Cao đẳng Luật thời gian tới.
Đối với những khó khăn, vướng mắc gặp phải của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng chia sẻ với những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí ở các cơ sở. Cụ thể hơn là đối với từng cá nhân cán bộ, công nhân viên chức, giảng viên.
Trong thời gian tới, cơ bản nhất trí với những mục tiêu và giải pháp được nêu trong báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Thứ trưởng đề nghị các Trường chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2019, trong đó tiếp tục duy trì đào tạo trung cấp luật, liên kết đào tạo và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về nhân lực của ngành, của xã hội và của Khu vực.
Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đã xác định trọng Kế hoạch, thực hiện công tác tuyển sinh đúng quy định, đúng số lượng và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó quan tâm đến công tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chú trọng xây dựng, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với cơ quan, tổ chức tư pháp, bổ trợ tư pháp, doanh nghiệp. Thường xuyên, định kỳ có tiếp xúc tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của đơn vị sử dụng nguồn học sinh, sinh viên trong thực hiện liên kết đào tạo để xây dựng chuẩn đầu ra. Đặc biệt từ năm 2019 phối hợp với Học viện Tư pháp đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, Ngành và tại địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy của các Trường. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, xây dựng dự thảo Đề án nâng cấp thành Trường Cao đẳng luật theo Quyết định số 3061/QĐ-BTP ngày 20/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án phát triển các Trường Trung cấp luật và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý hiện có để đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và cán bộ quản lý theo quy định, định hướng phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đào tạo cao đẳng luật. Có chính sách thu hút hoặc mời những người có kinh nghiệm, có chức danh tư pháp về giảng dạy tại Trường.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý các Trường quán triệt nghiêm túc, đầy đủ tinh thần, mục tiêu công tác giáo dục, đào tạo và phát triển Trường, gìn giữ và tăng cường tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng để xây dựng, phát triển các Trường trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Thứ trưởng cũng yêu cầu một số đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.