Tham gia Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang với sự chủ trì của ông Nguyễn Quốc Ca - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang cùng với tất cả các thành viên Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, đại diện cơ quan báo đài trên địa bàn tỉnh. Về phía đơn vị Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, TS.Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường và ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng khoa Khoa Đào tạo cơ bản đã tham gia Đoàn Giám sát trong suốt thời gian làm việc nghiêm túc và đầy trách nhiệm tại 06 huyện thị gồm: Hội đồng nhân dân huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ và Thị xã Long Mỹ từ ngày 17 - 19/4/2017.
Cùng trao đổi xoay quanh vấn đề về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, đặc biệt tại Hội đồng nhân dân huyện Châu Thành - đơn vị đầu tiên mà Đoàn Giám sát đến làm việc và định hướng về công tác chuyên môn, ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng khoa Khoa Đào tạo cơ bản đã tham gia có một số ý kiến chia sẻ với 04 vấn đề như sau:
Thứ nhất, hoạt động giám sát về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động đặc biệt quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Theo quan điểm cá nhân thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được xem xét trên 2 góc độ: (i) Một là góc độ về hình thức, trình tự thủ tục; (ii) Hai là về nội dung của văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó Báo cáo của Hội đồng nhân dân huyện Châu Thành cần làm rõ thêm về những đánh giá liên quan đến nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh việc khái quát về trình tự, thủ tục và hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo Điều 162 và Điều 163 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì tại thời điểm Luật có hiệu lực - kể từ ngày 01/7/2016 chính là thời điểm giao thoa giữa luật cũ và luật mới về hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với đầu nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp (2016 - 2021). Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm theo dõi, nhất là liên quan đến thời gian có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Trước thực trạng chung về điều khoản thi hành của văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, theo đó Hộ đồng nhân dân thường giao cho Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ triển khai thực hiện. Thông thường, Ủy ban nhân dân lại triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp bằng văn bản quy phạm pháp luật của mình bằng hình thức Quyết định. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì tinh thần chung là các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều được đảm bảo là có hiệu lực ngay. Tuy nhiên trước thời điểm giao thoa giữa luật cũ và luật mới thì cần thiết kiểm tra trên thực tế tại địa phương mình còn xảy ra thực trạng này nữa không để kịp thời khắc phục.
Thứ ba, căn cứ Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Như vậy, điều này cũng đặt ra yêu cầu là giải pháp nào để thực hiện một cách hiệu quả. Thiết nghĩ vấn đề quan trọng là ngay từ đầu năm cần xây dựng Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã. Và muốn làm được điều này một cách tối ưu thì cần thiết phải có đỗi ngũ nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực, trình độ, chuyên môn, tầm nhìn và việc nghiên cứu các lĩnh vực pháp luật để đảm bảo yêu cầu này. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Hội đồng nhân dân Thị trấn Mái Dầm - huyện Châu Thành thì vướng mắc được xác định là “công chức văn phòng thường thay đổi; công chức văn phòng có được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng chưa thường xuyên nên việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn”. Như vậy, đây cũng là khó khăn căn cơ nhất mà thực tế đã đặt ra, theo đó giải pháp là cần thiết phải có cơ chế kiện toàn, ổn định và phát triển toàn diện đối với công chức văn phòng hay công chức tham mưu trực tiếp đối với hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
Thứ tư, đề xuất ý kiến nên chăng có cơ chế thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, người có trình độ trong việc tham gia hoạt động xây dựng, góp ý văn bản quy phạm pháp luật để tập trung trí tuệ, nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai hiệu quả trên thực tế.
Đặc biệt tại các buổi giám sát, với vai trò là thành viên của Đoàn Giám sát, TS. Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường cũng xác định một trong những vấn đề khó khăn nhất và then chốt nhất mà công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương gặp phải, đó là việc phân biệt giữa văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật, hay nói một cách cụ thể hơn là xác định khi nào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện là văn bản quy phạm pháp luật, khi nào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện là văn bản áp dụng pháp luật. Vấn đề này thực tế còn lúng túng ở nhiều địa phương và cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động giám sát. Từ vấn đề được nêu, đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh đã ghi nhận và tiếp tục đề nghị các cơ quan chuyên môn có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề mà TS. Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã gợi ý.
Qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi mà Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã thể hiện, trình bày đã thêm chứng minh quá trình làm việc nghiêm túc, tập trung trí tuệ và đầy trách nhiệm với vai trò là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp tại địa phương./.