Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì các thông tin báo chí hằng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.
Điều 15. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả (Luật SHTT) 1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin. …
Điều 21: Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả (Nghị định 100/2006/NĐ-CP) 1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo. … |
Liên quan tới quy định này, gần đây đã có việc báo P. gửi công văn đến Báo Mới yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc lấy thông tin từ báo P. để đăng tải lại.
Theo những quy định đã trích dẫn ở trên, việc lấy lại tin, bài của Báo Mới không xin phép hay thỏa thuận bằng văn bản với những trang thông tin, báo điện tử sản xuất tin chưa hẳn đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Để chứng minh rằng Báo Mới vi phạm thì phải chứng minh được tính sáng tạo trong các bài báo được đăng lại. Tuy nhiên, như thế nào là có chứa “tính sáng tạo” thì không được làm rõ và rất khó xác định.
Dẫu rằng Báo Mới có chọn lọc những tin bài “nóng”, “độc” để đăng tải thì cũng không có gì vi phạm, vì đó cũng là tin tức thuần túy phản ánh sự thật khách quan. Nếu cho rằng tin tức đó có tính sáng tạo thì tính sáng tạo ở đây là gì? Sự sáng tạo có làm khác đi sự thật không?
Các báo cho rằng việc đăng tải lại bài của Báo Mới là hành vi “ăn cắp”, vi phạm luật sở hữu trí tuệ chỉ là sự cảm nhận không cơ sở pháp lý.
Mặt khác, Báo Mới đăng lại tin, bài của họ có trích dẫn nguồn cụ thể, và có dẫn link về trang gốc, như vậy về mặt cảm quan thì đây cũng là sự tôn trọng với chủ sở hữu bài viết.
Tuy tại Điều 23 Nghị định 47/2009/NĐ-CP có quy định hành vi sao chép tác phẩm trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng, tuy nhiên nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm này thuộc về cơ quan nhà nước.
Vụ việc báo P. kiện Báo Mới là vụ việc dân sự, nếu muốn được bồi thường từ Báo Mới thì P. có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình và được Tòa án chấp nhận. Thực tế, việc chứng minh thiệt hại trong trường hợp này vô cùng khó khăn và cũng không có nhiều quy định liên quan để Tòa án có thể chấp nhận việc chứng minh này.
Đứng trên góc độ pháp luật, việc ai đúng ai sai có lẽ còn là việc cần tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, đứng trên góc độ người đọc báo, việc có được một nguồn thông tin tổng hợp là một điều ai cũng mong muốn.
Tác giả bài viết: Thanh Hữu
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn