Đồng thời, cử tri tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị nhóm đối tượng là hộ nghèo, bảo trợ xã hội nếu không có khả năng chi trả mức 5% thì được Quỹ Khám chữa bệnh BHYT thanh toán 100%, còn nếu Quỹ chỉ thanh toán 95% thì 5% còn lại đề nghị ghi rõ do ngân sách Nhà nước chi.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Kiên Giang như sau:
Cấp ngân sách mua thẻ BHYT cho người nghèo
Thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo:
Ngày 8/11/2012, Bộ Y tế có công văn số 7626/BYT-KH-TC gửi UBND tỉnh và Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về việc yêu cầu triển khai thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg.
Ngày 18/10/2013, liên Bộ Y tế, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg. Theo đó Thông tư đã quy định, UBND tỉnh có trách nhiệm thành lập Quỹ, phê duyệt Điều lệ hoạt động Quỹ và quy định cụ thể trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ đối với các nội dung quy định tại Điểm 1, 2, 3 và 4 Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của Quỹ tại địa phương.
Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành Quỹ theo quyết định của UBND tỉnh; Lập dự toán ngân sách Quỹ và kinh phí quản lý Quỹ gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt; Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp tình hình thành lập và hoạt động của Quỹ trình Chủ tịch UBND tỉnh gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 22/10/2013, Bộ Y tế có công văn số 6775/BYT-KHTC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị lập báo cáo tình hình thực hiện khám, chữa bệnh cho người nghèo giai đoạn 2010 - 2012. Theo đó thì các tỉnh đã không còn sử dụng Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg nữa mà tỉnh cấp ngân sách trực tiếp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh mua thẻ BHYT cho người nghèo theo mệnh giá hiện hành và danh sách, số lượng người nghèo theo đề nghị hàng năm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.
Thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT
Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trình Quốc hội vào tháng 11/2013, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự thảo sửa đổi bổ sung quy định này theo hướng:
- Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
- Giảm mức cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT của thân nhân của người có công với cách mạng (bao gồm cả thân nhân liệt sỹ) theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng từ 20% xuống còn 5%.
Trong thực tiễn, một số đối tượng vẫn gặp phải khó khăn khi cùng chi trả chi phí khi khám chữa bệnh ở các tuyến bệnh viện như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người thuộc diện bảo trợ xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo. Theo quy định đó, Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo sẽ hỗ trợ tiền ăn, tiền vận chuyển người bệnh từ nhà tới cơ sở y tế và từ cơ sở y tế về nhà, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh BHYT cùng chi trả khi chi phí đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người thuộc diện bảo trợ xã hội.
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn