Người tự nhận “may mắn” ấy là lão nông Hồ Huy Hiệu ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. “Cơ hội” mà ông và các nông dân khác trong xã được hỏi ý kiến chính là hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức Oxfam hỗ trợ thực hiện tại quê ông.
Để dự luật “gần mặt đất” hơn
Việc tham vấn nông dân theo chương trình này không phải làm chiếu lệ ở một vài xã đơn lẻ. Với một nỗ lực chung, Viện Nghiên cứu lập pháp và Tổ chức Oxfam đã hỗ trợ một số tổ chức chính trị xã hội và tổ chức phi chính phủ Việt Nam thực hiện tham vấn người dân của 22 xã ở 11 huyện thuộc 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An. Hoạt động này đã và đang thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Trong tháng 2.2013, hoạt động tham vấn được tiếp tục đối với 200 người, nâng tổng số người được tham vấn lên hơn 1.000 nông dân.
Sau 3 tháng, đã có hơn 880 người được hỏi ý kiến trực tiếp; 44 cuộc hội thảo lấy ý kiến người dân về nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phỏng vấn cán bộ xã và họp tổng kết cấp xã. Tại cấp huyện và tỉnh, hoạt động này được tiếp tục với việc phỏng vấn doanh nghiệp, phỏng vấn lãnh đạo các ban ngành liên quan và hội thảo tổng kết cấp tỉnh.
Bốn tổ chức trực tiếp thực hiện các hoạt động tham vấn tại 4 tỉnh nêu trên là Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) và Mạng lưới An ninh lương thực và giảm nghèo.
Các cuộc tham vấn đã phản ánh kinh nghiệm và giải pháp liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi trong sử dụng đất, đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, định giá đất, đền bù và tái định cư.
“Nhiều nông dân đã chia sẻ những câu chuyện và khó khăn của họ và đề xuất lên nhà hoạch định chính sách các khuyến nghị cụ thể về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các cuộc thảo luận tại cơ sở đã cho thấy một thực tiễn đa dạng, phức tạp, với đầy thách thức mà người dân đang phải đối mặt, cũng như những mong muốn của họ. Nó minh họa các thiếu sót trong chính sách, và trong nhiều trường hợp, là cả những yếu kém trong thực hiện chính sách” - ông Nguyễn Văn Phấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình nhận định.
Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình là một trong những đơn vị được hỗ trợ thực hiện tham vấn ở 7 xã, thị trấn thuộc 3 huyện của tỉnh này.
Cách nghe quan trọng hơn số lần nghe
Trong hơn 1.000 ý kiến của nông dân – những người gắn bó máu thịt nhất với đất đai, chắc chắn có nhiều ý kiến đáng được lắng nghe một cách nghiêm túc.
Nhưng số lượng ý kiến tập hợp được chưa hẳn quan trọng hơn cách nghe. Lựa chọn cách tham vấn ý kiến của nông dân nhỏ, lẻ làm hướng chính, Viện Nghiên cứu lập pháp và Tổ chức Oxfam có lý do dễ chia sẻ, vì trên các diễn đàn góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai hiện nay, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý các cấp có nhiều cơ hội lên tiếng.
Trong khi đó, nông dân (nhất là những nông dân sản xuất quy mô nhỏ) lại có ít cơ hội tương xứng để bày tỏ thấu đáo nguyện vọng của mình. Họ cần được hỗ trợ thảo luận theo nhóm, trao đổi và lên tiếng, hoàn thiện thành những nhóm ý kiến về vấn đề lớn, mang tính phổ biến, thay vì những ví dụ đơn lẻ.
Bởi vậy, điểm khác biệt thấy rõ trong hình thức tổ chức tham vấn theo chương trình này là nông dân được tập hợp thành từng nhóm, thảo luận thống nhất các vấn đề và trực tiếp trình bày ý kiến của mình. Họ được coi là những nhân vật trung tâm của hoạt động tham vấn, kể cả đối với các cuộc hội thảo ở cấp tỉnh.
Hoạt động tham vấn cấp Trung ương dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 tới. Các kết quả tham vấn này sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội vào cuối đợt lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).