Đặt tên kiểu “Đông - Tây kết hợp”
Theo quy định pháp luật hiện hành, chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể việc đặt họ và tên khi đăng ký khai sinh cho một công dân. Bình thường thì không sao, nhưng từ năm 1991 trở lại đây, nhiều gia đình lại sính “ngoại”, đặt tên cho con theo kiểu “Đông -Tây kết hợp”.
Năm 2003, ông Nguyễn Hữu Phương, quốc tịch Việt Nam và bà Ngô Kim Thùy, cũng quốc tịch Việt Nam đã tới UBND xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con là Nguyễn Phương Vivian. Bà Hồ Thị Kim Em lại tới UBND xã Phong Hòa đăng ký khai sinh cho con là Nguyễn Thành Spring.
Trường hợp khác, cả hai anh em cùng một nhà tên Huỳnh Two School Boy (sinh năm 1986), Huỳnh Tree School Boy (sinh năm 1989) đã được bà Nguyễn Thị Tím đăng ký khai sinh. Một số tên xen lẫn tiếng nước ngoài với một vài âm tự như Nguyễn Thị Sinco do cha là ông Nguyễn Hữu Vạn đăng ký khai sinh năm 1991 hay Đặng Văn Col do mẹ là Cao Thị Lệ đăng ký khai sinh năm 1994… thì cha mẹ đều là người Việt Nam. Lý do họ đặt tên có chứa một vài tiếng nước ngoài cho con chỉ vì họ thích những cái tên như thế.
Luật Hộ tịch cần quy định cụ thể
Hiện nay, nếu công dân có đến UBND cấp xã đăng ký khai sinh với những cái tên có xen lẫn tiếng nước ngoài thì thường bị cán bộ hộ tịch từ chối giải quyết và hướng dẫn cha, mẹ đứa trẻ nên sử dụng tiếng Việt để đặt tên cho con mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đương sự quyết định chọn cái tên có tiếng nước ngoài để đặt cho con thì buộc lòng cán bộ hộ tịch phải giải quyết vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch không có điều nào hướng dẫn cụ thể họ tên của một công dân khi được đăng ký khai sinh thì phải được đặt tên hoàn toàn bằng tiếng Việt hay có thể xen lẫn một số tiếng nước ngoài.
Điểm c, Khoản 1, Mục III Thông tư số 01/2008/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP hướng dẫn trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam; cha và mẹ có đăng ký kết hôn; trẻ em về nước cư trú, thì nếu cha, mẹ chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì tên của trẻ em là tên Việt Nam (ví dụ: Đỗ Nhật Thành) hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (ví dụ: Đỗ Nhật Randy Thành) theo sự lựa chọn của cha, mẹ.
Nhưng quy định này chỉ áp dụng cho trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thẩm quyền giải quyết thuộc Sở Tư pháp. Còn trong trường hợp cha, mẹ là người Việt Nam, đăng ký tại UBND cấp xã thì Nghị định 158 lẫn Thông tư 01 không hướng dẫn.
Nhiều cán bộ hộ tịch cho biết rất vướng khi gặp phải các trường hợp này. Nếu từ chối việc đặt tên kiểu “Đông - Tây kết hợp” thì không có quy định cụ thể để làm căn cứ từ chối. Còn nếu cho phép đặt tên kiểu này thì lại ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Luật Hộ tịch đang được xây dựng cần có quy định cụ thể về vấn đề này.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn