Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT – TTg về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.
Đáng lưu ý là tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ngay từ khi soạn thảo văn bản phải nghiêm túc đánh giá tác động của các văn bản và quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức trong từng khâu soạn thảo, thẩm định, ban hành và thực thi các thủ tục hành chính đó.
Số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm ở nước ta trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày |
“Choáng” với số liệu về “rừng” thủ tục hành chính
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, trong 5.400 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng gần 1.600 TTHC yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.
Số lượng TTHC này tập trung trong phạm vi quản lý của một số Bộ, cụ thể: Bộ Tư pháp có 172 TTHC; Bộ Giao thông
Vận tải: 215 TTHC; Bộ Tài chính: 195 TTHC; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 144 TTHC; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 144 và Bộ Công an: 97 TTHC…. Theo đó, cấp trung ương thực hiện 647 TTHC, cấp tỉnh: 598 TTHC, cấp huyện: 267 TTHC và cấp xã là 62 TTHC.
Trong số gần 1.600 TTHC có 992 TTHC yêu cầu có mẫu đơn và TTHC yêu cầu có 399 tờ khai. Các giấy tờ công dân được được yêu cầu ở nhiều TTHC, cụ thể: 386 TTHC yêu cầu chứng minh nhân dân; 70 TTHC yêu cầu Giấy khai sinh; 66 TTHC yêu cầu sổ hộ khẩu.
Các TTHC có yêu cầu cung cấp thông tin công dân được quy định tại hơn 600 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 103 luật, pháp lệnh; 164 nghị định của Chính phủ; 31 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 381 thông tư/thông tư liên tịch/quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm ở nước ta trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày.
Với điểm chung là hầu hết tất cả TTHC đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ; hồ sơ để thực hiện TTHC... gánh nặng hành chính cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm.
Thực hiện chủ trương cải cách TTHC, qua thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, đã có trên 3700 TTHC được đơn giản hóa, cắt giảm gánh nặng hành chính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng/ năm cho cá nhân, tổ chức, từng bước công khai minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, những nỗ lực cắt giảm TTHC mới chỉ dọn được “phần ngọn” của “rừng” TTHC. Nhiều TTHC trên thực tế vẫn là những rào cản, thậm chí là nỗi “hãi hùng” đối với người dân.
Thủ tướng yêu cầu quy trách nhiệm cụ thể
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật với công tác kiểm soát thủ TTHC, ngày 14/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.
Để tổ chức thực hiện Nghị định số 48 kịp thời, thống nhất và đồng bộ, tại Chỉ thị số 15, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt đúng tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị định số 48 kịp thời, thống nhất và hiệu quả; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác kiểm soát TTHC.
Cũng tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc sửa đổi, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; trong đó, quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc đánh giá tác động TTHC; trách nhiệm của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc góp ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu chưa có bản đánh giá tác động về TTHC và ý kiến góp ý về quy định TTHC tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế với tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc bộ, ngành; Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc công bố, công khai minh bạch TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý theo quy định.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cần quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc đôn đốc, kiểm soát chất lượng dự thảo quyết định công bố trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
Tác giả bài viết: Lan Phương
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn