Theo khoản 8 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, “ly hôn là chấm dứt hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng”.
Như vậy, quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với người vợ, người chồng và không thể chuyển giao cho người khác. Quyền tự do ly hôn của vợ, chồng được pháp luật ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, pháp luật vẫn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng. Cụ thể, Điều 85Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định “trong trường hợp người vợ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn”. Như vậy, người chồng không thể và không có quyền đơn phương đệ đơn ra Tòa yêu cầu ly hôn trong trường hợp này.
Tuy nhiên, trong góp ý của UBND thành phố Cần Thơ đối với việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, cơ quan này đặt câu hỏi: Về mặt pháp lý, nếu như trong trường hợp đứa trẻ người vợ đang mang thai không phải là con của người chồng thì người chồng có được xin ly hôn hay không?
“Theo quy định hiện hành khi đứa trẻ đã được thành thai trong thời kỳ hôn nhân đương nhiên là con của vợ chồng. Tuy nhiên, đây chính là sự bất cập của pháp luật, vì trên thực tế, khi biết được đứa con người vợ đang mang thai không phải là con của mình, người chồng sẽ có những diễn biến tâm lý bất thường dễ dẫn đến phạm tội” – UBND thành phố Cần Thơ phân tích.
Do vậy, cơ quan này đề nghị, trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần quy định rõ, trường hợp người vợ đang mang thai mà người chồng có đủ chứng cứ để chứng minh rằng đứa trẻ đó không phải con của mình và được Tòa án công nhận thì người chồng sẽ không bị hạn chế quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Ngược lại, cũng có ý kiến góp ý cho rằng, đối với điều kiện hạn chế quyền yêu cầu ly hôn, cần bổ sung trường hợp người vợ mới sinh con chưa được 12 tháng nhưng con chết thì chồng cũng không có quyền đề nghị Tòa án cho ly hôn.
Cũng liên quan đến trường hợp “quyền yêu cầu ly hôn”, theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền yêu cầu được ly hôn thì chỉ “vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Tuy nhiên, ý kiến của UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong trường hợp người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ cho họ có quyền yêu cầu ly hôn thay cho họ không thì luật hiện hành vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tại các địa phương.
Trong khi đó, theo Điều 24, Luật Hôn nhân và Gia đình: “Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó”. Như vậy, trong phiên xử ly hôn của người mất năng lực hành vi dân sự, vợ (chồng) sẽ phải tham gia với hai tư cách, vừa là nguyên đơn lại vừa là đại diện cho bị đơn và điều này là không thể. Vì vậy, cơ quan này đề nghị cần bổ sung đầy đủ các quy định cho phép người giám hộ hoặc cha, mẹ, anh, chị em ruột của người bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể thay họ nộp đơn xin ly hôn.
Về vấn đề này, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, điều khoản về căn cứ ly hôn cần được quy định một cách cụ thể và phù hợp với thực tiễn hơn, đảm bảo tôn trọng quyền tự do ly hôn của vợ chồng. “Chẳng hạn, cần quy định việc một bên vợ, chồng phạm lỗi nghiêm trọng và tái diễn (ngoại tình, bỏ nhà đi lâu ngày không có lý do chính đáng...) là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn” – đại diện Bộ Tư pháp nêu ví dụ.
Theo Báo điện tử Vnmedia
Xuân Hưng