Chưa xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả
Kể từ ngày 15/5, Theo Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT, người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đúng quy cách sẽ bị xử phạt.
Vậy đội mũ như thế nào là đúng quy cách?
Theo Thông tư liên tịch 06 quy định: Quai mũ phải đóng khít với cằm; Khi kéo mũ từ sau ra trước hoặc nâng phần trên trước trán rồi kéo ra sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
Tuy nhiên, Thông tư vẫn chưa có quy định cụ thể để phân biệt mũ bảo hiểm giả và chưa có chế tài cụ thể xử phạt đối tượng đội mũ bảo hiểm giả.
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Từ ngày 15/5, Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài không cần phải công chứng, chứng thực bản sao sổ hộ khẩu và giấy tờ chứng minh về nhân thân.
Ngoài ra, thủ tục cũng đơn giản trong việc đi nộp hồ sơ: chỉ cần một trong hai bên đi nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp (nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam) hoặc cơ quan đại diện (nếu đăng ký tại cơ quan đại diện).
Thời gian giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam giảm xuống còn 25 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí (trước đây là 30 ngày).
Thời gian chờ phỏng vấn cũng giảm xuống còn chậm nhất là 15 ngày, và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn sau khi phỏng vấn chậm nhất 05 ngày làm việc.
Đó là nội dung được quy định tại Nghị định 24/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/5/2013, bãi bỏ Nghị định 68/2002/NĐ-CP và 69/2006/NĐ-CP.
Thêm nhiều dịch vụ miễn phí tại Trạm dừng nghỉ đường bộ
Theo Thông tư 48/2012/TT-BGTVT, bên cạnh các công trình dịch vụ thương mại, công trình bổ trợ, trạm dừng nghỉ đường bộ còn phải có công trình dịch vụ công cộng cung cấp các dịch vụ miễn phí như: bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin (phải có bản đồ giao thông khu vực, sơ cứu tai nạn giao thông)...
Trạm dừng nghỉ đường bộ được phân thành 4 loại và có diện tích mặt bằng tối thiểu loại 1: 10.000 m2, loại 2 : 5.000 m2, loại 3: 3.000 m2 và loại 4: 1.000 m2.
Thông tư có hiệu lực từ 15/5/2013, thay thế Chương IV Thông tư 24/2010/TT-BGTVT.
Tăng mức bồi dưỡng đối tượng ngăn chặn chặt phá rừng, cháy rừng
Cũng trong ngày 15/5, Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC có hiệu lực, quy định mức chi hỗ trợ cho các đối tượng được huy động để ngăn chặn chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm).
Mức chi tối đa cho một người/một ngày bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương (trước đây mức chi là ngày công lao động nghề rừng phổ biến ở địa phương).
Trường hợp lực lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất được chi tiền ăn thêm tối đa là 50.000 đồng/ngày/người (Trước đây không có quy định khoản chi này).
Trong quá trình làm nhiệm vụ có xảy ra tai nạn, người tham gia nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng được thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành. Đối tượng không thuộc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian điều trị, ngoài tiền hỗ trợ khám chữa bệnh, còn được hỗ trợ tối đa 100.000 đồng/ngày/người (trước đây mức hỗ trợ chỉ bằng 20.000 đồng/ngày/người).
Thông tư này bãi bỏ một số quy định tại Thông tư liên tịch 61/2007/TTLT-BNN-BTC.
Huyền Trang
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn