Theo đó, ở bậc tiểu học, học sinh (HS) cần được khen, khuyến khích nhiều hơn là dùng thước đo con số cụ thể.
Ngày 23-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết: “Vấn đề chấm điểm với HS bậc tiểu học đã được thể hiện tại Thông tư số 32, ban hành ngày 27-10-2009 của Bộ GD&ĐT. Thực tế, không phải đợi đến khi các hiệu trưởng lên tiếng chúng tôi mới chú ý, mà trước đó đã có những nghiên cứu, lắng nghe để sửa đổi dần. Thông tư 32 như tôi dẫn ở trên đã khẳng định quan điểm đó. Về nguyên tắc đánh giá HS, tôi đã từng đề cập là có thể cho điểm hay không cho điểm. Đối với HS vào lớp 1 thì không cho điểm, chủ yếu là nhận xét để đánh giá học trò, chỉ có bài kiểm tra cuối năm để kiểm tra chất lượng. Đánh giá nội dung học ở cấp này cũng thế, có thể chỗ này, người này cho là khô khan nhưng cũng có thể do giáo viên dạy khô khan, hoặc chỗ khác cho là không khô khan. Những ý kiến như thế chúng tôi đều rất lắng nghe, không bảo thủ nhưng cũng phải thận trọng”.
Còn nhà giáo Phạm Toàn thì cho rằng: “Không chỉ ở tiểu học mà khối THCS hay THPT cũng cần phải thay đổi mạnh về chương trình và cách đánh giá HS. HS hiện nay bị áp lực thi cử quá nhiều, thi cũng để lấy điểm rồi cũng trả thầy cô giống như chạy lòng vòng quanh trường học. Để thay đổi cách đánh giá, ngành giáo dục phải thay đổi cả nội dung để HS học được và làm được chứ không chỉ thuộc vẹt những thứ vô bổ. Ví dụ, thay vì HS ngồi học bài về giữ gìn vệ sinh thì hãy để các em tự tay làm vệ sinh… Có như thế, đứa trẻ không cần thi cử mà vẫn sẽ học, không lo khi nào kiểm tra và sẽ được bao nhiêu điểm nữa”.
V.THỊNH - P.ANH ghi
Nguồn tin: phapluattp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn