Hầu hết ý kiến tại hội thảo đều tán thành với việc cần ban hành Luật giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình hiện nay. Riêng việc có nên đưa giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở (THCS) như điều 10 của dự thảo hay không đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM tán thành việc đưa quy định giáo dục quốc phòng - an ninh vào bậc tiểu học và THCS bởi từ trước đến nay trong chương trình giảng dạy đã có lồng ghép việc giảng dạy này trong các môn giáo dục đạo đức (bậc tiểu học) và giáo dục công dân (THCS). Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng ở độ tuổi học sinh cấp I, cấp II, các em còn quá nhỏ để có thể lĩnh hội, nhận thức đầy đủ nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, hiện nay chương trình học tập của bậc tiểu học, THCS đã quá nặng nề, nếu đưa thêm vấn đề này vào sẽ làm quá tải chương trình học.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương (Trường đại học An ninh), để học sinh ở bậc tiểu học, THCS hiểu biết về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, có tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc thì các thầy cô cần lồng ghép những vấn đề trên vào chương trình giảng dạy các môn lịch sử, địa lý, văn học... Ban soạn thảo cần cân nhắc khi quy định vấn đề giáo dục quốc phòng - an ninh ở bậc tiểu học, THCS. Ông Lê Văn Hòe (Trường đại học Cảnh sát nhân dân) cũng đồng tình quan điểm trên khi cho rằng chỉ nên đưa chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh vào chương trình từ bậc THPT trở lên.
Tác giả bài viết: C.MAI
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn