Trong kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục Thủ đô, đáng chú ý là hệ thống giáo dục mầm non có nhiều điểm mới. Theo đó, đến năm 2015 có 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non, 80% cơ sở giáo dục mầm non ứng dụng tin học trong quản lí và giáo dục trẻ. Tỉ lệ đạt chuẩn đến năm 2020 phải từ 90% trở lên. Tỉ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50-55%, năm 2020 đạt 65-70%, năm 2030 đạt 75- 80%.
Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Quy mô trường không quá 20 nhóm lớp/trường, số trẻ trung bình từ 30-35 trẻ/nhóm lớp. Toàn thành phố cải tạo và xây dựng 724 trường mầm non từ nay tới năm 2030.
Trong giáo dục tiểu học, tỉ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 phải đạt 75-80%. Năm 2020 giảm sĩ số bình quân học sinh/lớp xuống còn 30, mỗi trường không quá 30 lớp. Để đáp ứng được yêu cầu trên toàn thành phố cần cải tạo và xây mới 234 trường tiểu học từ nay tới năm 2030.
|
Học sinh Hà Nội sẽ có cơ hội phát triển toàn diện hơn? Ảnh minh họa Internet |
Trong khi bậc giáo dục trung học cơ sở, quy mô trường không quá 45 lớp/trường, trung bình 30 học sinh/lớp. Từ nay tới năm 2030 toàn thành phố Hà Nội cần cải tạo và xây dựng mới 108 trường. Bậc giáo dục phổ thông, theo UBND thành phố phê duyệt, từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh như hiện này xuống còn 40 học sinh. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 đạt từ 75-80%. Quy mô trường không quá 45 lớp/trường, để đạt được tiêu chuẩn này từ nay tới 2030 thành phố Hà Nội cần cải tạo và xây mới khoảng 112 trường được chia thành 2 giai đoạn.
Ở bậc giáo dục thường xuyên, mục tiêu tới năm 2030 huy động 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động 99% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi ra học lớp xóa mù chữ. Đến năm 2030 đảm bảo mỗi quận, huyện có từ 1-2 trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, diện tích cần để xây dựng thêm là 421.745 mét vuông.
Giáo dục chuyên nghiệp, nâng tỉ lệ người lao động qua đào tạo lên 55% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Từ nay tới thời gian đó chuyển đổi một số trường trung cấp chuyên nghiệp ở khu vực nội thành ra ngoại thành để diện tích đảm bảo đủ chuẩn. Từ nay tới năm 2030 cần xây dựng thêm 29 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Để thực hiện được quy hoạch này, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt 9 chương trình để thực hiện. Mỗi chương trình xác định nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. Cũng theo đó sẽ có 3 giai đoạn để hoàn thành kế hoạch này.
Trong giai đoạn 1 (2011-2015), tập trung nhiệm vụ cho việc xây dựng cơ sở vật chất với việc đầu tư 7.900 tỷ đồng để xây 208 trường công lập và 70 trường ngoài công lập.
Giai đoạn 2 (2016-2020), tập trung triển khai chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Tiếp tục triển khai đề án dạy ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT. Tiếp tục đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng để xây 357 trường học bao gồm cả công lập và ngoài công lập.
Giai đoạn 3 (2021-2030), khai toán kinh phí để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng trường lớp, chi hơn 40.000 tỷ đồng để xây 580 trường.