Báo cáo tại cuộc họp, Vụ Pháp chế cho biết, thời gian qua, cải cách tư pháp được Đảng, Nhà nước ta tích cực triển khai và xem đây là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam. Mục tiêu nhằm đảm bảo các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
Đồng thời có các thiết chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chống sự lạm dụng của cơ quan và người tiến hành tố tụng; rà soát, bổ sung các quy định để đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp và giám sát giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền được giao. Sau tám năm thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các cơ quan bảo vệ pháp luật thấy một số quy định của Bộ luật TTHS năm 2003 không còn phù hợp nên cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ soạn thảo, chỉnh lý các Chương quy định về khởi tố, điều tra vụ án hình sự; soạn thảo, chỉnh lý các chương quy định về thi hành bản án và quyết định của tòa án; soạn thảo, chỉnh lý các chương quy định về hợp tác quốc tế. Đáng chú ý là trong ba phần trên có một số chương mới như: Hỏi cung bị can; tương trợ tư pháp về hình sự; các thủ tục khác để thực hiện hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
Tại cuộc họp, ý kiến đóng góp của các đại biểu nhấn mạnh đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan điều tra thuộc lực lượng CAND trong quá trình giải quyết, điều tra các vụ án hình sự. Mục đích để khi Bộ luật TTHS (sửa đổi) ra đời phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống, để phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội
Tác giả bài viết: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: duthaoonline.quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn