Tại Toạ đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (2005) do Bộ Tư pháp và Tổ chức JICA (Nhật) tổ chức (trong hai ngày 7 và 8-3-2013), các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã trình bày các tham luận về chế độ vật quyền trong luật dân sự Nhật Bản như: định nghĩa về vật và tài sản; nguyên tắc luật định về vật quyền, chiếm hữu, biến động vật quyền, vật quyền hưởng thụ… để Ban soạn thảo dự luật “lấy kinh nghiệm”.
Giáo sư Aikyo Morishima, thuộc Tổ chức JICA cho rằng, để sự trao đổi hàng hóa - nền tảng kinh tế của xã hội thị dân - được suôn sẻ, thì vai trò của chế định vật quyền là hết sức quan trọng. Bởi vì, nó "bảo đảm cho chủ thể của hàng hóa có quyền tự do trao đổi theo ý chí của mình mà không chịu sự can thiệp của người khác".
Cũng theo ông Aikyo Morishima, quyền sở hữu là điển hình của vật quyền - người có quyền sở hữu được quyền tự do sử dụng, định đoạt vật sở hữu của mình.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hạnh (Vụ Kinh tế dân sự thuộc Bộ Tư Pháp) vật quyền được hiểu là quyền của một người đối với một vật, là quyền chi phối trực tiếp của người đó đối với vật. Vật quyền là quyền tuyệt đối, áp dụng đối với tất cả mọi người. Trong các loại vật quyền thì quyền sở hữu là loại vật quyền chính. Những loại vật quyền khác là sự độc lập hoá theo mục đích của quyền sở hữu, là những bộ phận của quyền sở hữu, theo chức năng của quyền sở hữu.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung phần tài sản và quyền sở hữu (phần vật quyền) đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý rất phức tạp với Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn nhưng đây là vấn đề cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Vì vậy, để có được nhiều thông tin phục vụ cho công tác soạn thảo luật tốt hơn, dự kiến ngày 11 và 12-3-2013 Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức toạ đàm về vấn đề “vật quyền” tại TPHCM.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn