Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định số 80/QĐ-VKSTC ngày 6/3/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về việc phân công nhiệm vụ giúp việc Ban soạn thảo xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Theo đó, có 6 Tổ giúp việc Ban soạn thảo xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cụ thể: Tổ 1 phụ trách Phần thứ nhất - Những quy định chung; Tổ 2 phụ trách Phần thứ hai - Khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định việc truy tố. Tổ 1 và Tổ 2 do đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC chỉ đạo; Tổ 3 phụ trách Phần thứ ba - Xét xử sơ thẩm, Phần thứ tư - Xét xử phúc thẩm, Phần thứ sáu - Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật do đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo; Tổ 4 phụ trách Phần thứ năm - Thi hành bản án và quyết định của Tòa án do đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo; Tổ 5 phụ trách Phần thứ bảy - Thủ tục đặc biệt do đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo; Tổ 6 phụ trách Phần thứ tám - Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự do đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo...
(Toàn cảnh phiên họp)
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC nêu rõ, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) mà Quốc hội giao cho VKSNDTC là cơ quan chủ trì chính là một nhiệm vụ to lớn mà ngành Kiểm sát phải đảm trách và được diễn ra trong bối cảnh công cuộc cải cách tư pháp đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cho biết, với trách nhiệm của mình, trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), ngành Kiểm sát đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị tổng kết trong toàn Ngành về Bộ luật, qua đó đã thu hút và chọn lọc được nhiều ý kiến có chất lượng. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh, việc phân công nhiệm vụ giúp việc Ban soạn thảo xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đối với 58 đồng chí tại Quyết định 80 chính là sự tập hợp, huy động một lực lượng tương đối đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức có trí tuệ, kinh nghiệm của ngành Kiểm sát vào quá trình xây dựng Bộ luật. Tuy nhiên, việc xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) không chỉ triển khai trong ngành Kiểm sát, ở Cơ quan soạn thảo, Tổ biên tập và Tổ giúp việc mà cần mở rộng sự tham gia, góp ý để có cái nhìn đa chiều, toàn diện từ đó đề xuất nội dung, phương hướng sửa đổi, bổ sung cho hợp lý, đồng thời kế thừa một cách khách quan, khoa học những tư tưởng dân chủ, tiến bộ của các Bộ luật trước đó phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai mong rằng, cùng với việc góp ý, đề xuất về Khung kết cấu của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) một cách phù hợp; các Tổ cần khẩn trương tiến hành công việc, chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong khi triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC tin tưởng rằng, với trách nhiệm cao và quyết tâm lớn, chắc chắn ngành Kiểm sát sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có chất lượng và mang tính khả thi.
Theo dự kiến, trước ngày 30/5/2013, các Tổ chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo tài liệu liên quan đến việc xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban kiểm sát và gửi về Viện khoa học kiểm sát để báo cáo Ban soạn thảo liên ngành vào đầu tháng 6/2013.
Theo Báo Điện tử Bảo vệ Pháp luật