Qua hơn 10 năm thành lập và hoạt động, Trường đã ban hành tổng số 04 chương trình đào tạo Trung cấp Pháp Luật. Nhìn chung, các chương trình đào tạo đều đáp ứng các quy định của Bộ, ngành và phù hợp với điều kiện thực tiễn giảng dạy và học tập của Nhà trường. Việc áp dụng các chương trình đào tạo vào thực tiễn đã góp phần cung cấp đầy đủ kiến thức chung, kiến thức các lĩnh vực pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ trong một số lĩnh vực pháp luật, học viên sau khi tốt nghiệp ra Trường đều đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan nhà nước, tại các doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, trải qua quá trình áp dụng, phải nhìn nhận rằng chương trình đào tạo Trung cấp Pháp luật và cả các chương trình đào tạo cao đẳng của Trường đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế nhất định như: số lượng một số môn học chưa phù hợp, còn dàn trãi khá nhiều học phần, thời lượng bố trí cho từng học phần chưa đồng đều, một số học phần khá thiên về lý luận, chưa chú trọng đến kỹ năng, nghiệp vụ, thực hành nghề, một số môn học chưa phù hợp hoặc tỏ ra không cần thiết với tên chương trình đào tạo; tỷ lệ lý thuyết và thực hành ở một số môn học chưa phù hợp; một số môn học có nội dung trùng lắp nhau,…. Những bất cập đó đã khiến cho việc đào tạo đôi khi chưa hiệu quả, chưa tập trung vào trọng tâm hay chưa tạo được điểm nhấn trong chương trình đào tạo, gây áp lực cho học viên trong quá trình tham gia học,… Từ những bất cập, hạn chế đó, sau khi đã lấy ý kiến của tập thể giảng viên Nhà trường, đến nay Nhà trường tiếp tục tổ chức Hội thảo như một diễn đàn mở rộng để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên có kinh nghiệm ngoài Nhà trường.
Các góp ý tại Hội thảo chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: thứ nhất, về cơ cấu, cách thiết kế, bố trí, sắp xếp các học phần trong chương trình, thời lượng các học phần, việc tăng, giảm, thêm, bớt thời lượng các học phần trong toàn bộ chương trình đào tạo; thứ hai, về nội dung chi tiết từng học phần, đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất, không chồng lấn nội dung, phù hợp và có điểm nhấn trong các chương trình đào tạo; góp ý vấn đề đưa pháp luật quyền con người vào trong chương trình; thứ ba, về tính khả thi, đáp ứng yêu cầu về vị trí việc làm của đơn vị sử dụng lao động; thứ tư, về chương trình liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đảm bảo tính logic, khoa học.
LS Nguyễn Hòa Thuận – Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nguyễn phát biểu góp ý tại Hội thảo
Các ý kiến đóng góp từ nhà khoa học, từ các giảng viên, từ đại biểu tham dự là những nội dung quan trọng góp phần xây dựng các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của Trường được khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong những năm tiếp theo./.