Tại buổi làm việc, Trường đã có báo cáo tổng hợp về tình hình tổ chức hoạt động của đơn vị, trong đó trọng tâm là công tác tổ chức cán bộ: tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự, các vấn đề về đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế, công tác đào tạo bồi dưỡng,... và đặc biệt là công tác tuyển sinh, đào tạo của Nhà trường. Qua đó, Trường cũng nêu lên những thời cơ, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn mới chuyển đổi mô hình đào tạo từ giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục nghề nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cũng đã báo cáo tình hình hoạt động của Ban theo chương trình Bình đẳng giới với nhiều điểm tích cực. Vai trò của viên chức nữ được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các hoạt động của Đảng, đoàn thể đến cấp chính quyền, góp phần tạo nên thành quả đáng kể của Nhà trường trong sự nghiệp phát triển.
Hướng tới mục tiêu hiệu quả, thành viên tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn với đoàn kiểm tra về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của đơn vị, trong đó xoay quanh các giải pháp tuyển sinh bền vững, vấn đề về xây dựng chương trình, giáo trình và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực hành nghề luật, các điều kiện cần thiết thực hiện cơ chế tự chủ trong thời gian tới.
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận, đồng chí Trưởng đoàn đã đánh giá cao những thành quả mà tập thể Nhà trường đã đạt được, trong đó đề cao vai trò là "điểm sáng" trong hoạt động liên kết đào tạo và những hiệu quả thiết thực trong việc phát huy bình đẳng giới trong đơn vị. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Đỗ Kiên đã có những kết luận góp phần tháo gỡ những khó khăn mà Trường gặp phải, nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí cũng nhấn mạnh về cơ chế hỗ trợ của Bộ Tư pháp trong hoạt động của các Trường: việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhất là việc hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Trong các giải pháp, đồng chí đặc biêt nhấn mạnh:
- Trường cần tiếp tục tập trung tuyển sinh bền vững Trung cấp Luật gắn liền với công tác mở rộng quan hệ ngoại giao, đảm bảo các chế độ chính sách cho người học và tăng cường tìm đầu ra giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
- Việc xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình phải có sự tham gia của người sử dụng lao động để đảm bảo tính hiệu quả thực tế, tính khả thi cao khi đưa vào áp dụng.
- Xây dựng Kế hoạch cử giáo viên đi thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng cần thiết kết hợp với cơ chế giám sát của Nhà trường và đơn vị giáo viên đi thực tế để đạt được hiệu quả, chất lượng đã đề ra.
- Cần chuyên nghiệp hóa các hoạt động của Trung tâm trực thuộc, khẩn trương thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm và dần hướng đến việc tự chủ toàn phần đối với hoạt động của Trường.
- Đặt nền tảng chính trị nội bộ lên hàng đầu, nên có cơ chế ghi nhận và xử lý kịp thời các ý kiến được xem là "điểm nóng" để đảm bảo tính ổn định, củng cố khối đoàn kết nội bộ.
Cuối buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của đoàn kiểm tra nói riêng và của Lãnh đạo Bộ Tư pháp nói chung. Đồng thời, tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo để cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động của Nhà trường trong thời gian tới nhằm kịp thời giải quyết những tồn tại và phát huy hơn nữa những kết quả mà thầy và trò Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã đạt được./.