Đó là một trong những nội dung kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội được công bố ngày 22/5/2013 về triển khai các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết.
Việt Nam hiện nay có 385 chương trình liên kết đào tạo với 29 quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, việc liên kết đào tạo trong nước cũng đã có những đóng góp nhất định vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận với đào tạo trình độ cao cho đối tượng người học vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động liên kết đào tạo trong nước thời gian qua, đặc biệt là việc tổ chức đào tạo liên kết ngoài cơ sở chính để cấp bằng CĐ, ĐH chính quy bộc lộ nhiều bất cập; nội dung, chương trình đào tạo cũng thường bị cắt xén; cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị liên kết còn thiếu thốn, lạc hậu, không phù hợp,… dẫn tới chất lượng đào tạo liên kết không bảo đảm.
Về hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, theo báo cáo của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, cả nước hiện có 385 chương trình liên kết đào tạo với 29 quốc gia trên thế giới được cấp phép hoạt động dưới hình thức không vì lợi nhuận và được thực hiện chủ yếu bằng nguồn kinh phí do người học đóng góp.
Ngoài Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm về cấp phép các chương trình liên kết đào tạo còn có 5 ĐH được phân quyền tự chủ trong thẩm định, cấp phép các chương trình liên kết đào tạo cho các cơ sở thành viên trực thuộc.
Theo lãnh đạo Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, việc liên kết đào tạo với nước ngoài chủ yếu tập trung ở trình độ ĐH ở nhiều lĩnh vực với nhiều ngành nghề đa dạng. Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề đào tạo của các chương trình liên kết còn chưa cân đối: phần lớn là các chương trình liên kết đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và quản lý (chiếm 56,5%), còn lại là các chương trình thuộc các ngành khoa học kỹ thuật và có rất ít chương trình thuộc nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp và y dược; cá biệt có một vài chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - lĩnh vực không khuyến khích việc liên kết đào với nước ngoài.
Tư cách pháp nhân của nhiều đối tác nước ngoài không bảo đảmThực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước đã chú trọng hơn tới việc quản lý các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài nhằm một mặt bảo đảm phát huy mặt mạnh của liên kết đào tạo, mặt khác ngăn chặn, hạn chế những nguy cơ, rủi ro của hoạt đông liên kết đào tạo với nước ngoài. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (thay thế và khắc phục một số bất cập về pháp lý cũng như nhiều nội dung không còn phù hợp của các quy định liên quan đến hợp tác, liên kết đào tạo của Nghị định 06/2000/NĐ-CP Nghị định số 18/2001/NĐ-CP của Chính phủ). Đồng thời, Bộ GD-ĐT thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài cũng như tăng cường đảm bảo thực hiện tốt công tác thẩm định và cấp phép các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài như không cấp phép những chương trình liên kết đào tạo với những đối tác nước ngoài nếu chưa được công nhận chất lượng đào tạo tại nước sở tại.
Tuy nhiên, VHGDTNTN&NĐ cho rằng, công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế. Tiến độ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về liên kết đào tạo với nước ngoài còn quá chậm; nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều nội dung không phù hợp kéo dài nhưng vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn tới những bất cập trong liên kết đào tạo tại một số cơ sở đào tạo trong thời gian qua.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong liên kết đào tạo với nước ngoài chưa đủ rộng khắp và kịp thời dẫn tới tình trạng liên kết “chui” không xin phép của một số đơn vị, đặc biệt là một số viện nghiên cứu tư nhân, trung tâm và một số cơ sở khác không có chức năng đào tạo, không đáp ứng được các điều kiện về liên kết đào tạo với nước ngoài.
Công tác thẩm định năng lực của đối tác liên kết còn chưa sâu sát dẫn đến có trường hợp tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài không bảo đảm, nhiều chương trình liên kết của một số trường ĐH chưa được kiểm định chất lượng nhưng vẫn được đưa vào hoạt động tại Việt Nam (như Trường ĐH Frederick Taylor, Trường ĐH Quốc tế Mỹ, Trường ĐH Preston, Trường ĐH Nam Thái Bình Dương, Trường ĐH Irvine - Hoa Kỳ,…).
Từ năm 2010 đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tại 27 cơ sở giáo dục ĐH và thanh tra 12 đơn vị khác đang tổ chức hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, qua đó đã kịp thời phát hiện những bất cập và chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài của các cơ sở như yêu cầu lập hồ sơ xin phép liên kết đào tạo theo đúng quy định; đình chỉ một số chương trình liên kết đào tạo và xử phạt vi phạm hành chính 10/12 đơn vị, buộc dừng hoạt động tuyển sinh và tổ chức đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học. |
Hồng Hạnh