GS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN cho rằng: Trong nhiều nguyên nhân đưa đến hậu quả đáng buồn với môn sử hiện nay, sách giáo khoa (SGK) là “thủ phạm” hàng đầu, với cách thức biên soạn SGK theo kiểu “gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt học sinh học”.
|
Từ thực tế đó, việc thay đổi cách thức biên soạn SGK được nhiều chuyên gia đưa ra những đề xuất cụ thể cho từng bậc học.
PGS Phạm Xanh, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Muốn lớp trẻ không nhạt sử có lẽ không có cách nào khác là tạo được sự khác biệt trong một chỉnh thể ở 3 cấp học, tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn của môn học. Ông đề xuất một cuộc “giải phẫu” lớn về cấu trúc mới của SGK lịch sử phổ thông. Cụ thể, cấp tiểu học: lựa chọn những nhân vật lịch sử VN và thế giới có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của dân tộc và nhân loại trong tiến trình lịch sử, biên soạn dưới dạng những câu chuyện có thực và cả giai thoại của nhân vật đó. Những câu chuyện nhỏ về danh nhân lớn sẽ đánh thức sự tò mò, khám phá ở các em... Ở cấp THCS, theo trục thời gian và không gian, lựa chọn những địa danh lịch sử gắn với những sự kiện lịch sử. Cấp THPT, lịch sử VN và thế giới cần được biên soạn không đứt đoạn, từ nguồn gốc (dân tộc VN và nhân loại) đến hiện nay, được chia thành 3 thời kỳ - lịch sử cổ trung đại, cận đại và hiện đại dạy cho học sinh lớp 10, 11, 12 theo trục thời gian tương ứng.
|
PGS Hà Minh Hồng (khoa sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng nội dung cơ bản trong SGK sử phải là những câu chuyện lịch sử. PGS Hồng đề xuất: cấp tiểu học học về nhân vật; THCS về sự kiện; THPT là những vấn đề lịch sử...
Là người trực tiếp đối mặt với bất cập về SGK lịch sử hiện hành, thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên chuyên sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đề nghị: SGK sử cần hạn chế sự định hướng, áp đặt quan điểm chính trị mà thông qua bài học để học sinh tự nhận biết, thông hiểu. Nên giảm hàn lâm, thêm bối cảnh, bớt diễn biến...
Để thực hiện được cấu trúc SGK theo từng cấp học như trên, tất cả các ý kiến đều thống nhất phải chấm dứt cách biên soạn theo kiểu “đồng tâm” như hiện nay, khiến cho học sinh rất nhàm chán vì nội dung lặp đi lặp lại. Thay vào đó nên biên soạn theo kiểu “đường thẳng” mỗi cấp học, lớp học, tùy vào khả năng, tâm lý lứa tuổi khác nhau sẽ được học theo những nội dung tương ứng.
TS Tưởng Phi Ngọ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: Ở nước ngoài, giáo viên không hề coi SGK là “pháp lệnh” rồi đọc - chép như ở ta. Họ biết tổng hợp rồi dạy bằng kiến thức của mình chứ không phụ thuộc vào cái của người khác viết.
Trả lại vị trí và sự thật lịch sử
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cho rằng: Đã đến lúc không thể coi đây là môn phụ. Đề xuất này không phải xuất phát từ quan niệm của giới sử học mà từ yêu cầu phát triển của giới trẻ, của đất nước.
GS Trần Thị Vinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bức xúc: Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà chuyên gia lịch sử cứ phải bàn đi tán lại về số phận của môn lịch sử trong nhà trường. Ở những nước phát triển các nhà sử học không phải làm việc đó bởi môn sử luôn được mặc định là môn học bắt buộc. TS Tưởng Phi Ngọ cho biết: Nếu môn sử vẫn bị coi là môn phụ như hiện nay thì tôi không tin một tí nào rằng việc cải cách giáo dục sắp tới sẽ thành công.
Muốn môn sử trở lại đúng vị thế và được học sinh yêu thích thực sự, các chuyên gia cùng quan điểm: điều quan trọng nhất là những bài học lịch sử đưa vào giảng dạy cho học sinh phải đảm bảo tính trung thực. GS Phan Huy Lê nói: SGK phải tôn trọng sự thật lịch sử và phải phản ánh rất khách quan sự thật đó, không thể tuyên truyền theo kiểu một chiều “ta thắng, địch thua” như hiện nay.
Còn thầy Hiếu dẫn dụ: “Học sinh của tôi không ít lần hỏi “thầy ơi, chỉ có địch chết còn ta thì... sống hết ạ?”, giới trẻ sẽ không hiểu được giá trị của hòa bình nếu không biết cha ông đã phải hy sinh ra sao”.
Sau hội thảo này, Hội Khoa học Lịch sử sẽ có văn bản khuyến nghị mang tính tư vấn với Bộ GD-ĐT và sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ nghiên cứu, tính toán cụ thể góp phần xây dựng đổi mới căn bản, toàn diện môn lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông.