Hội thảo do Văn phòng Quốc hội phối hợp với các tổ chức quốc tế gồm Oxfarm, Unicef, Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Irish Aid, Care, AFAP, Apheda, CDI tổ chức tại Ninh Thuận vào ngày 06/04/2013.
Phân tích về thực trạng tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, các đại biểu tham gia Hội thảo thống nhất cho rằng việc áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình tập quyền như hiện nay đã tạo ra những cản trở nhất định đối với nhu cầu phát triển chủ động và linh hoạt của các địa phương. Về các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã khái quát 04 mô hình tổ chức chính quyền địa phương cơ bản trên thế giới gồm: mô hình Anh, mô hình Pháp; mô hình Đức; mô hình Xô-Viết. Ở nước ta, cách thức tổ chức chính quyền địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của mô hình Xô-viết. Nguyên tắc của mô hình này là song trùng trực thuộc, các cơ quan nhà nước ở địa phương trực thuộc cơ quan cấp trên theo chiều dọc và trực thuộc uỷ ban chấp hành theo chiều ngang. Thẩm quyền của các cấp chính quyền không có sự phân biệt rõ ràng về nội dung mà chỉ khác nhau về phạm vi lãnh thổ áp dụng. Cách phân chia này tương tự như những con búp bê Nga Matryoshka, không tạo ra sự rành mạch về những công việc mà các cấp chính quyền nên thực hiện để phục vụ tốt nhất cho người dân.
Bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh cách thức phân quyền hiện nay giữa trung ương và địa phương chưa tạo ra sự chủ động của địa phương. Có nhiều vấn đề như về đầu tư xây dựng cơ bản, về ngân sách, về biên chế và tổ chức bộ máy... chính quyền địa phương đều phụ thuộc vào các quyết định của trung ương, các vấn đề mà chính quyền địa phương được tự chủ quyết định còn rất bó hẹp. Thậm chí có những vấn đề của địa phương (ví dụ như biên chế hành chính) được chính quyền trung ương quyết định một cách chi tiết. Bà Trương Thị Xuân Hồng cũng nhấn mạnh hiện tượng các địa phương thi nhau đầu tư xây dựng sân bay, cảng biển như hiện nay không hoàn toàn do lỗi của các địa phương bởi vì các dự án này khi được triển khai thực hiện đều phải có ý kiến phê duyệt của cơ quan nhà nước ở trung ương.
Để giải quyết các vấn đề này, nhiều đại biểu tham gia Hội thảo thống nhất cho rằng Hiến pháp sắp tới phải có những quy định về nguyên tắc phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương. Việc phân quyền phải dựa trên nguyên tắc những cấp nào sát với thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu tổ chức và người dân thì phân cho cấp đó thực hiện; những việc mà cấp chính quyền cấp dưới không thực hiện được thì mới phân cho chính quyền ở cấp cao hơn. Đồng thời, chính quyền địa phương phải có sự độc lập nhất định, có tài sản và ngân sách riêng để chủ động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà mình được giao.
Góp ý cụ thể về các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS Nguyễn Cửu Việt, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần nhấn mạnh hơn về chủ quyền của nhân dân và dân chủ trực tiếp ở địa phương, đề cao vai trò của nhân dân địa phương trong kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Các điều khoản về chính quyền địa phương trong Dự thảo Hiến pháp hiện hành vẫn thể hiện nguyên tắc song trùng của chính quyền địa phương, đây vốn là một “tính xấu”, lạc hậu, trong nhiều vấn đề nhiều khi không rõ trực thuộc ai, báo cáo ai, ai chịu trách nhiệm. Do vậy, việc sửa đổi Hiến pháp cần quy định rõ nguyên tắc phân quyền giữa trung ương và địa phương trong đó mức độ cao nhất chính là tự quản địa phương hoặc kết hợp giữa phân quyền với tản quyền. Tuy nhiên, việc phân quyền cho chính quyền địa phương cần phải đi cùng với việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các chính quyền địa phương. Nhiều chuyên gia đề nghị để tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực thi quyền lực của chính quyền địa phương, cần nâng cao vai trò của người dân, đề cao tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước ở địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống toà án để giải quyết những vấn đề lạm quyền có thể xảy ra.
Các kết quả của Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tập hợp, tổng hợp và gửi đến Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để nghiên cứu và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Có thể tham khảo các bài phát biểu tại hội thảo tại đây: