“Chữa cháy” càng rối rắm
Minh chứng rõ nhất cho những bất cập này là thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật phía Nam, dẫn quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ khi mở thừa kế; thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm kể từ khi mở thừa kế.
Theo ông Thịnh, trong thực tế, khi một người bị tòa án tuyên bố đã chết thì việc xác định ngày chết (thời điểm mở thừa kế) như hiện nay có thể sẽ không còn thời hiệu để giải quyết khởi kiện thừa kế hoặc thời gian còn lại để khởi kiện là ngắn nên sẽ không bảo vệ tốt quyền lợi của người thứ ba (như chủ nợ) hay của người không trực tiếp quản lý di sản. Ông Thịnh đề nghị thời hiệu khởi kiện về thừa kế nên tăng thêm và có quy định về thời điểm bắt đầu trong trường hợp một người bị tòa án tuyên bố đã chết.
Luật gia Trần Đình Thu, Chi hội Luật gia, cho rằng quy định thời hiệu 10 năm khiến nhiều người mất trắng quyền khởi kiện chia thừa kế đất đai bởi trước kia, quyền sử dụng đất (QSDĐ) chưa được coi là di sản, đến khi là di sản thì hết thời hiệu. Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm pháp đã “chữa cháy” bằng một hướng dẫn rối rắm: Trong 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và đều thừa nhận di sản chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp, yêu cầu tòa giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
“Thòng” cho chắc ăn
Theo luật gia Trần Đình Dũng, Trung tâm Tư vấn pháp luật phía Nam, Bộ Luật Dân sự năm 2005 ban hành mới có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản. Khoản 1 điều 168 quy định việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản (BĐS) có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cách lập quy phạm như thế gồm 2 phần rõ rệt: Nguyên tắc chính (chuyển quyền sở hữu BĐS có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký) và quy định “thòng” (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Sở dĩ có quy định “thòng” là do nhiều nhà lập pháp lo ngại sự phát sinh, đổi thay các quan hệ xã hội nên khi soạn luật thường làm vậy cho chắc ăn, dễ áp dụng nhưng hậu quả là sẽ phá vỡ nguyên tắc chính của điều luật, tạo sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Ông Dũng cho rằng do căn cứ vào phần quy định “thòng” này mà các văn bản luật chuyên ngành quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản hoàn toàn khác nhau, thậm chí mâu thuẫn khi áp dụng. Cụ thể, trong khi BĐS là QSDĐ thì Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ quy định việc chuyển QSDĐ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại văn phòng đăng ký QSDĐ, trong khi với BĐS là nhà ở thì Luật Nhà ở 2005 quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản kể từ lúc hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở.
Như vậy, trường hợp khối tài sản thống nhất không thể tách rời là nhà - đất thì thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản là lúc giao dịch được công chứng hay lúc đăng ký với cơ quan Nhà nước? Trong khi đó, giữa 2 khoảng thời điểm từ công chứng đến khi đã đăng ký sở hữu là khá dài và chủ thể phải thực hiện không ít thủ tục. Hay như với trường hợp BĐS là nhà ở, Luật Nhà ở 2005 quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản là khi công chứng giao dịch nhưng khi giao dịch góp vốn từ thành viên vào công ty thì điều 29 Luật Doanh nghiệp 2005 lại quy định là thời điểm đăng ký sở hữu…