Để giảm thiểu yêu cầu chứng thực bản sao, Điều 6 Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận hồ sơ phải chấp nhận bản chụp không cần chứng thực, người dân chỉ cần xuất trình bản chính để đối chiếu.
Thực tế hiện nay cho thấy quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc, tình trạng lạm dụng chứng thực bản sao từ bản chính còn khá phổ biến, gây tốn kém, phiền hà cho người dân và xã hội.
Lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp cũng cho biết, dự thảo Luật dự kiến sẽ đổi mới mô hình cơ quan quản lý và thực hiện chứng thực, theo hướng tập trung vào một cấp là UBND cấp xã và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Mô hình này sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu chứng thực tại nơi gần dân nhất, không gây tốn kém thời gian và chi phí đi lại. Tuy nhiên, cấp xã chỉ có thể chứng thực bản sao, chữ ký, còn bản dịch vẫn phải thực hiện ở cấp huyện.
Về chứng thực hợp đồng, giao dịch, lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp nêu quan điểm có thể căn cứ vào tính chất, giá trị của hợp đồng giao dịch để quy định những loại nào bắt buộc phải công chứng, những loại nào có thể vừa công chứng vừa chứng thực để người dân tự lựa chọn.
Đối với hợp đồng, giao dịch có giá trị thấp, liên quan chặt chẽ đến đời sống hằng ngày của người dân, diễn ra thường xuyên, các bên tham gia giao dịch đều rõ ràng về nhân thân và cùng cư trú trên một địa bàn, hợp đồng giao dịch không dẫn đến việc chuyển dịch quyền sở hữu thì có thể cho phép người dân lựa chọn hoặc công chứng hoặc là chứng thực.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số lượng bản sao, chữ ký, bản dịch được chứng thực mỗi năm tại các cơ quan nhà nước là rất lớn. Chỉ tính riêng trong nước, mỗi năm có khoảng 700 triệu văn bản được UBND cấp xã chứng thực, thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 300 tỉ đồng/năm.
Theo Báo Tiền phong Online