Theo chương trình, việc tổng kết sẽ được thực hiện cả ở diện rộng, bằng việc từng bộ ngành, địa phương tự đánh giá, phân tích trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa tổng kết chiều sâu theo từng chuyên đề. Bộ Tư pháp sẽ tổ chức ba hội thảo lớn ở ba miền, tổng hợp ý kiến báo cáo Chính phủ. Dự kiến, tháng 4-2012 qua tổng kết, Chính phủ phải đề xuất được những nội dung cơ bản cho việc sửa hiến pháp.
Về phạm vi, giới hạn của việc tổng kết, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên - người phát ngôn của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, cho biết nội dung tổng kết tập trung vào chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và mảng hoạt động của HĐND các cấp. Vì hành pháp là một nhánh quyền lực nhà nước, quan hệ tương tác với các nhánh quyền lực khác nên sẽ có những vấn đề ở các ngành khác, Chính phủ vẫn sẽ đề xuất, kiến nghị.
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM rằng có tổng kết việc thực hiện Điều 4 Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, ông Liên nói: “Đây là câu hỏi nhạy cảm nhưng không thể né tránh”. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề lớn nên tổng kết thế nào sẽ do Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thực hiện. Ở góc độ Chính phủ, khi tổng kết thấy vấn đề nào liên quan sẽ có đánh giá, kiến nghị.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng khẳng định việc tổng kết, nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp 1992 là một sinh hoạt chính trị lớn, cần huy động trí lực toàn dân. Vì vậy, Bộ Tư pháp mở ra chuyên trang trên website của Bộ (http://moj.gov.vn) vừa thông tin rộng rãi tới công chúng, vừa để hoan nghênh, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân.
NGHĨA NHÂN
Nguồn: phapluattp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn