Điểm đáng chú ý đầu tiên là những đề xuất của TS Nguyễn Công Bình (Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật Hà Nội) xung quanh việc tòa án cần phải tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân khi tham gia tố tụng dân sự.
Chủ động chuyển đơn kiện
TS Bình cho rằng sau khi thụ lý một vụ khởi kiện dân sự mà tòa dân sự nhận thấy rằng đó là án hành chính thì thay vì ra quyết định đình chỉ vụ án, tòa nên chủ động chuyển hồ sơ qua tòa hành chính. Làm như vậy sẽ giúp người dân không phải mất công, mất sức khởi kiện lại ở tòa hành chính.
Một vấn đề nữa, theo TS Bình, việc quy định tranh chấp đất đai phải qua khâu hòa giải tại chính quyền địa phương thì tòa mới thụ lý là không cần thiết. Bởi lẽ nếu một bên đương sự không muốn phải ra tòa thì sẽ “lách luật” bằng cách không chịu tham gia hòa giải ở địa phương. “Đặt ra càng nhiều quy định thì càng làm khổ dân cũng như gây khó khăn cho chính ngành tòa án” - TS Bình nhấn mạnh.
Nhiều tình huống chưa rõ
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác đã chỉ ra những trường hợp quy định còn chưa rõ, gây lúng túng và vướng mắc cho tòa khi giải quyết án dân sự.
Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt (Phó Chánh tòa Dân sự TAND TP.HCM) nêu tình huống: Nếu vụ án ly hôn có tranh chấp về tài sản là đất đai thì có cần thiết phải hòa giải ở chính quyền địa phương như tranh chấp đất đai thông thường hay không?
Thẩm phán Huỳnh Trung Hiếu (Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ) nêu một tình huống khác: Tòa thụ lý vụ án đòi chia tài sản thừa kế, sau đó mới phát hiện trong vụ án có người liên quan đang ở nước ngoài mà lại không rõ địa chỉ thì phải làm thế nào?
Ngoài ra, Điều 202 BLTTDS quy định tòa vẫn tiến hành xét xử trong các trường hợp: Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị tòa xét xử vắng mặt; nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa… Vấn đề là gặp tình huống tất cả các bên đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đều xin xét xử vắng mặt thì tòa phải xử lý ra sao?
Cả Thẩm phán Đạt và Thẩm phán Hiếu đều cho rằng cần thiết phải có hướng dẫn về những trường hợp này. Đồng tình, thẩm phán Tưởng Duy Lượng (Phó Chánh án TAND Tối cao) cũng cho rằng một số quy định chưa được rõ ràng, nếu không bổ sung sẽ gây lúng túng cho các tòa khi áp dụng.
Chấp hành viên khởi kiện ra sao? Theo bà Phạm Thị Thanh Loan (Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM), Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 14 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao quy định chấp hành viên, đương sự được yêu cầu tòa xác định phần sở hữu tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Tuy nhiên, phần lớn tòa án đã không thụ lý, giải quyết với lý do không đủ điều kiện thụ lý hoặc chưa có văn bản hướng dẫn. Điều này gây khó khăn, trở ngại cho việc tổ chức thi hành án. Mới đây, BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 có quy định chấp hành viên được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa phân chia tài sản chung để thi hành án. Quy định này rất tiến bộ, sẽ giúp cơ quan thi hành án giải quyết được rất nhiều án tồn đọng. Nhưng theo bà Loan, chấp hành viên là người đại diện cơ quan thi hành án dân sự khởi kiện vụ án khi thi hành công vụ nên cần phải có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục khởi kiện. Ngoài ra, chấp hành viên tạm ứng nguồn tiền nào để nộp tạm ứng án phí, thủ tục tạm ứng, hoàn trả ra sao? Trong trường hợp yêu cầu của chấp hành viên không được chấp nhận và phải đóng án phí thì sử dụng nguồn tiền nào để nộp? Thêm quy định Khi đương sự nộp hồ sơ mà thiếu thì cán bộ tòa án phải yêu cầu đương sự bổ sung. Cần phải có quy định về việc lập biên bản yêu cầu bổ sung và thời gian bổ sung. Nếu không quy định, khi lên tòa cấp trên xét xử, đương sự nói rằng tòa cấp dưới không yêu cầu bổ sung thì tòa án cấp trên sẽ hủy án vì cho rằng vi phạm tố tụng. Thẩm phán HUỲNH TRUNG HIẾU, Dân được kiện thi hành án? Hiện nay có một số trường hợp cơ quan thi hành án áp dụng Thông tư số 14 để kê biên đối với tài sản là nhà, đất sau khi có bản án của tòa dù nhà, đất đã được bán cho người khác. Vậy người dân có quyền khởi kiện dân sự cơ quan thi hành án hay không? Thẩm phán NGUYỄN HOÀNG ĐẠT, Phó Chánh tòa Dân sự TAND TP.HCM
Không cần lập hội đồng định giá Những tài sản khác thì tòa được quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định giá nhưng với tài sản là nhà, đất thì phải thành lập hội đồng định giá rất nhiêu khê và kéo dài thời gian. Nên chăng chỉ cần quy định giao cho cơ quan, tổ chức chuyên môn thẩm định giá là đủ rồi. Thẩm phán LẠI VĂN TRÌNH, Chánh án TAND quận 10 (TP.HCM) |
Tác giả bài viết: TIẾN HIỂU
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn