Hội nghị có sự tham gia của đại diện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như: Sở Tư pháp các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố: Hậu Giang, Cà Mau, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long; các sở, ban, ngành của tỉnh Hậu Giang như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Vị Thủy, UBND xã Vị Trung. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Học viện chính trị khu vực IV, các đơn vị sử dụng lao động, giáo viên thỉnh giảng và toàn thể thầy cô giáo Nhà trường.
Mở đầu Hội nghị, ThS. Thái Quốc Phong - Phó Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Hành chính và Thư viện, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh trình bày tóm tắt Đề án phát triển Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nội dung Đề án được thiết kế theo mẫu Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bao gồm một số vấn đề chính như: (1) Phân tích sự cần thiết của việc nâng cấp lên trường Cao đẳng Luật, (2) Khái quát thực trạng hoạt động của Trường trong thời gian qua (2010 - 2017), (3) Đề ra mục tiêu, cơ cấu tổ chức, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động khi nâng cấp, (4) Kế hoạch, tiến độ thực hiện Đề án và đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của việc thực hiện Đề án.
Tiếp đó, Hội nghị cũng được nghe ThS. Nguyễn Quỳnh Anh - Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Công tác học sinh, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là thông qua chương trình đào tạo Trung cấp Luật theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng để trên cơ sở đó, lấy ý kiến của các chuyên gia và các đơn vị.
Dưới sự chủ trì của Đoàn Chủ tịch, Hội nghị đã ghi nhận 10 ý kiến trực tiếp từ Hội nghị và các ý kiến khác được đóng góp thông qua văn bản. Trong đó, tất cả các đại biểu đều thống nhất với định hướng phát triển của Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, nâng từ Trường Trung cấp Luật lên Trường Cao đẳng Luật, xác định là xu hướng và yêu cầu chung của xã hội.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện Đề án phát triển Trường và Dự thảo chương trình đào tạo Trung cấp Luật, các đại biểu là đại diện Lãnh đạo các đơn vị, các chuyên gia tham dự còn đóng góp ý kiến xoay quanh các vấn đề về trình độ đào tạo, chương trình đào tạo và thời gian đào tạo như: (1) Bổ sung phụ lục đội ngũ giáo viên, trình độ đào tạo, giáo viên thỉnh giảng kèm theo Đề án; (2) Tăng cường trao đổi, hợp tác, liên kết với một số trường đại học, cao đẳng để tranh thủ sự hỗ trợ từ các trường khi nâng cấp lên Cao đẳng Luật; (3) Tăng cường nội dung đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ khi chuyển sang đào tạo cao đẳng; (4) Bổ sung thêm chức năng bồi dưỡng một số chức danh tư pháp vào Đề án; (5) Đánh giá cơ sở vật chất, kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí theo quy định pháp luật về ngân sách, quy hoạch nhằm nâng cao tính khả thi của Đề án; (6) Rút ngắn lý thuyết, tạo nền tảng cho người học tự nghiên cứu, tăng cường xác định nhu cầu nghề nghiệp; (7) Cần phải khảo sát các đối tượng cụ thể (kể cả khảo sát nguồn đầu vào và nguồn tạo việc làm đầu ra cho sinh viên khi đào tạo cao đẳng); (8) Nên đào tạo tập trung một trình độ Cao đẳng Luật sau khi nâng cấp, cân nhắc, xem xét không đào tạo trình độ trung cấp luật vì không còn nhu cầu của xã hội; (9) Một số góp ý khác về kỹ thuật xây dựng Đề án và Chương trình đào tạo,…
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, TS. Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu từ đại biểu, các ý kiến có giá trị hoàn thiện nội dung của Đề án, góp phần nâng cao định hướng phát triển của Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, cũng là tiền đề để tăng cường công tác phối hợp giữa Nhà trường với các cơ quan tại địa phương nhằm nâng cao trình độ, chuẩn hóa kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và nguồn nhân lực tại các địa phương, đáp ứng nhiệm vụ chính trị quan trọng do Lãnh đạo Bộ giao.