Như trên đã nói, Dự thảo Nghị định có tới 34 điều quy định về mức phạt tiền được chia thành 4 mục gồm: Vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí; vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản; vi phạm hành chính trong hoạt động thông tin điện tử; vi phạm hành chính về chế độ báo cáo, ngăn cản trái pháp luật hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Trong 34 điều có mức phạt thì có 13 điều áp dụng mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm các quy định về nội dung thông tin; về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí; về cải chính trên báo chí; về họp báo; về trình bảy sản phẩm thông tin báo chí; về phát hành sản phẩm thông tin báo chí; về lưu chiểu sản phẩm thông tin báo chí; về liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình; về trình bày, minh họa xuất bản phẩm; về nộp lưu chiểu xuất bản phẩm và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam; về chế độ báo cáo; hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra…
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua quá trình thi hành Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và Nghị định số 28/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet đã bộc lộ một số điểm không phù hợp, một số hành vi mới phát sinh chưa được quy định. Ngoài ra, có nhiều trường hợp vi phạm của tổ chức với mức độ nghiêm trọng, gây ra hậu quả xấu nên cần thiết phải xử phạt hành chính bằng tiền với mức cao mới đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Tại cuộc họp tư vấn thẩm định Dự thảo do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, các ý kiến cơ bản đồng tình với mức phạt được đưa ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên băn khoăn vì mức phạt khởi điểm 50 nghìn được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính đã không được sử dụng trong Dự thảo Nghị định này.
“Nghị định phải phù hợp với đời sống xã hội, mức tối thiểu phải giảm bớt đi. Nếu giữ mức này, những người đi làm trực tiếp ít phạt được mà chủ yếu là lập biên bản, vì vượt quá thẩm quyền, cứ quy định mức phạt cao là vô hiệu hóa đối tượng trực tiếp đi phạt. Không những thế, phạt cao cũng có thể dẫn đến tiêu cực của người thi hành công vụ và đẩy người bị phạt vào thái độ tiêu cực khi có những tỉnh mà bị phạt 1 triệu là cả một gia tài. Phạt là để răn đe, giáo dục, phòng ngừa nhưng không có nghĩa là chỉ chăm chăm nâng cao mức phạt” – Thứ trưởng Liên bày tỏ.
Tác giả bài viết: Sơn Hà
Nguồn tin: phapluatvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn