Đó là những vấn đề chính được đặt ra tại Hội thảo quốc gia xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng do Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Sài Gòn và Báo Thanh niên đồng tổ chức ngày 21/12.
Hiện nay, hiện tượng sai chính tả tiếng Việt có thể tìm thấy ở nhiều nơi, nhưng dễ tác động tiêu cực đến nhận thức và thẩm mỹ là trên các bảng truyền thông. Lỗi chính tả này có nguyên nhân cơ bản là thói quen sử dụng phương ngữ và cũng do thiếu sự kiểm duyệt đúng mức của cơ quan chức năng. Tương tự, ngay từ bậc tiểu học, trong bài làm của học sinh thường mắc lỗi chính tả chủ yếu do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương.
Tuy Bộ GD-ĐT đã ban hành một số quy định về chính tả nhưng cho đến nay trên các loại văn bản được in ấn và phát hành thì cách viết chính tả vẫn không thống nhất trong cách viết hoa, quy tắc viết chữ i hay y, quy tắc đánh dấu thanh.
Để đi đến thống nhất chuẩn chính tả và tránh tình trạng mạnh ai nấy sử dụng như hiện nay, theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, thành viên Ban tổ chức cho biết không chỉ giải quyết bằng các giải pháp chuyên môn mà cần phải có pháp lệnh ngôn ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thống nhất quy định về chuẩn mực chính tả: “Hội thảo về chính tả nhằm mục đích thống nhất viết chính tả giữa các cơ sở giáo dục, tức là trường phổ thông với cả trường đại học và báo chí. Thế thì tình hình hiện giờ là mỗi một cơ quan viết một kiểu thành ra hội thảo này nhằm đánh động việc đó và tiến tới là đề nghị nhà nước, cơ quan chức năng phải có một thái độ, có một quyết định” .
Và để đa số người Việt đồng tình và thực hiện theo quy chuẩn thống nhất chính tả tiếng Việt, các ý kiến trong hội thảo cho rằng cần xem xét thực tiễn hoạt động của tiếng Việt trong giai đoạn hiện đại hóa và xu thế hội nhập, trên cơ sở đó mới đưa ra chuẩn chính tả thống nhất cho tiếng Việt hiện nay.
Theo Trang thông tin điện tử đài tiếng nói nhân dân TPHCM