Cơ hội công bằng cho người đồng tính
Phát biểu tại hội thảo, ông Nicholas Booth, cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nhấn mạnh: Chúng ta phải dành quyền bình đẳng cho những người đồng tính. Tại cuộc họp tháng 3/2012 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon đã kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới chấm dứt nạn phân biệt đối xử và bạo lực với người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Ông Kees Waaldijk, giáo sư Trường Đại học Luật Leiden, Hà Lan cũng chia sẻ những tiêu chí quốc tế, quy định pháp luật trong việc bảo vệ quyền con người của người đồng tính. Giáo sư khẳng định: Trong xu hướng hiện nay, các vấn đề về người đồng tính đã có những chuyển biến tích cực, nhiều nước công nhận hôn nhân đồng giới. Trước khi đạt được những kết quả đáng mừng, các nước này cũng có giai đoạn thiếu kiến thức, dẫn đến định kiến sai lầm, phân biệt đối xử. Ví như Mỹ từng xem đồng tính như một bệnh, cố tìm cách chữa trị, thậm chí bỏ tù. Thế rồi, họ cũng nhận ra đồng tính là một xu hướng tính dục không thể thay đổi và cho phép các tiểu bang có quyền tự chủ về hôn nhân cùng giới.
Giáo sư Kees Waaldijk cho rằng xu hướng chung là sẽ mở rộng phạm vi áp dụng chế định hôn nhân cho cả những cặp đồng tính
Giám đốc Trung tâm Chính sách và Hành chính công, giáo sư Khoa Kinh tế, Trường Đại học Massachusetts Amherst, bà Lee Badgen cho biết, ở Mỹ có 1,2 triệu người đồng tính chung sống, tức 600.000 cặp. Hơn 67% cặp đồng giới đã kết hôn tại bang Massachusetts và các bang khác cũng tương tự. Các cặp này có cuộc sống gia đình tương tự như các cặp dị tính.
Theo bà Lee Badgen, không công nhận quan hệ đồng giới sẽ làm gia tăng sự kỳ thị, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và khiến các cặp đồng giới không được hưởng khuôn khổ pháp luật và các lợi ích của hôn nhân. Nếu pháp luật công nhận sẽ cho phép các cặp đồng giời được thể hiện cam kết công khai, có lợi ích tình cảm, thực tế, hòa nhập xã hội và các lợi ích cho con cái.
“Sau khi hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa, tại Massachusetts, người đồng tính nam giảm được 13% lượt khám chữa bệnh và 14% chi phí khám chữa bệnh. Tình trạng lây truyền bệnh qua đường tình dục giảm ở những nước công nhận quan hệ đồng giới. Con cái của người đồng tính cũng phát triển bình thường. Nhất là, chế định hôn nhân không thay đổi, trừ quy định về điều kiện kết hôn”, bà Lee Badgen nói.
Giải tỏa kỳ thị, định kiến
Hiện nay, chưa có cuộc điều tra nào ước lượng số người là đồng tính ở Việt Nam. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu khác nhau, có các lỷ tệ khác nhau với biến động từ 1 - 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận họ là người đồng tính và song tính. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường, nếu lấy tỷ lệ trung bình 3% được nhiều nhà khoa học thừa nhận thì số người đồng tính và song tính trong độ tuổi từ 15 - 59 tạm tính ở Việt Nam vào khoảng 1,65 triệu người. Cộng đồng người đồng tính sống công khai, có quan hệ tình cảm với nhau ngày càng tăng.
Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ của Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường năm 2012 ở Việt Nam, có 92% người được hỏi muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Một cuộc điều tra tương tự do ICS thực hiện với hơn 2.000 người đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký.
Toàn cảnh hội thảo
Quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình không có cơ chế pháp lý điều chỉnh việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính như các quan hệ nhân thân, tài sản và con cái. Quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng tạo ra những định kiến xã hội đối với người đồng tính.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường cho rằng, người đồng tính cũng như bất cứ công dân nào khác đều có quyền bình đẳng và được pháp luật bảo vệ. Từ việc được Nhà nước bảo vệ, xã hội sẽ ủng hộ và các gia đình sẽ thừa nhận để bảo đảm không còn sự che giấu, sống “giả” của người đồng tính. Thừa nhận hôn nhân cùng giới cũng sẽ giúp họ tăng trách nhiệm sống chung, đầu tư cho tương lai và giúp ổn định cuộc sống.
Theo bà Nguyễn Hồng Ngọc, Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình cần thể hiện được những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về quyền con người. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của nhận thức, những định kiến về người đồng tính đã dần được gỡ bỏ, đã có quốc gia cho phép người đồng tính kết hôn hoặc thừa nhận cuộc sống chung của họ. Vì vậy, cần thiết phải quy định vấn đề hôn nhân của người LGBT mềm dẻo hơn, thể hiện sự tôn trọng quyền con người, nhất là bổ sung quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ sống chung (chia tài sản chung, con nuôi chung…).
Đại diện nhóm cộng đồng LGBT chia sẻ, việc thừa nhận hôn nhân cùng giới sẽ giúp giải tỏa những bạo lực gia đình và căng thằng trong mối quan hệ của gia đình có con là người đồng tính. Thừa nhận hôn nhân cùng giới cũng là thể hiện tính nhân văn của một quốc gia, cho phép tất cả mọi người đều có một mái ấm của mình. “Chúng tôi mong muốn được bảo vệ, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở trường học, cơ sở y tế và trong xã hội. Chúng tôi cũng muốn có một gia đình được pháp luật thừa nhận để chăm sóc, nương tựa vào nhau lúc hoạn nạn”.