Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng Ban Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, chính sách đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang được thực hiện theo các quy định tại Luật Lao động.
Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2011, BHXH đã tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 85.000 lao động. Nhưng theo đại diện BHXH, do những bất cập trong việc lập hồ sơ làm căn cứ hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp nên số lao động được hưởng chế độ chính sách vẫn chưa cao. Nếu thủ tục thuận lợi thì số lao động được giải quyết hưởng chế độ sẽ còn nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường, một số trường hợp bị tai nạn lao động nhưng chưa có quy định cụ thể về việc làm thủ tục xét hưởng chế độ. Nhất là, những trường hợp bị tai nạn khi đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, không gần nơi đông dân cư và trụ sở công an hoặc khi kiểm tra ngay lúc bị tai nạn thấy bình thường, sau đó mới phát hiện bị thương. Những trường hợp này khi tai nạn xảy ra, do không lập biên bản nên người lao động không đủ điều kiện để hưởng chế độ theo quy định.
Chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) hay của chủ sử dụng lao động trong việc lập biên bản điều tra các trường hợp bị tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc điều tra và lập biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn xảy ra trong các lĩnh vực: phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí…
Đối với các trường hợp bị tai nạn vẫn còn phổ biến tình trạng doanh nghiệp chưa quan tâm điều tra, báo cáo về tình trạng của người lao động. Luật chưa có văn bản quy định thời hạn người sử dụng lao động phải hoàn thiện hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người bị tai nạn lao động. Dẫn đến một số trường hợp bị tai nạn từ lâu nhưng đến nay đơn vị sử dụng lao động mới lập hồ sơ đề nghị giải quyết. “Có trường hợp bị tai nạn nhưng sau 2 - 3 năm doanh nghiệp mới hoàn thiện hồ sơ cho người lao động nên các cơ quan rất khó khăn để thực hiện chế độ chính sách cho người lao động”, ông Cường nêu ví dụ.
Hiện nay, Bộ luật Lao động chỉ quy định đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là người làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp. Trong khi đó, công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động liên quan đến cả những đối tượng không thuộc phạm vi trên. Chẳng hạn, các cá nhân có sử dụng máy móc và thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, chủ nhà thuê lao động làm công việc bốc vác, sửa chữa nhà cửa, giúp việc…; nông dân và lao động tự do, người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ mà không có giao kết hợp đồng lao động.
(Ảnh: minh họa)
Vướng trong thủ tục hưởng chế độ
Ông Nguyễn Đình Tân, Sở LĐ-TB & XH Quảng Ninh cho rằng, quy định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và mức trợ cấp cùng nhiều nội dung trong đó còn chưa phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, về bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, theo Luật Lao động hiện nay, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường người bị suy giảm 5% khả năng lao động trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trường hợp do lỗi của người lao động thì mức trợ cấp với mức bằng 40% mức bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế, tai nạn lao động thường do nhiều nguyên nhân và việc xác định nguyên nhân là rất khó khăn và phức tạp. Do vậy, để xác định xem trách nhiệm của người chủ sử dụng lao động là “trợ cấp” hay “bồi thường” rất khó.
Việc bồi thường cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thực tiễn còn vướng bởi quy trình. Việc chi trả bồi thường này do cả chủ sử dụng lao động và cơ quan BHXH thực hiện. Quy trình giải quyết chế độ giám định và cấp sổ bệnh nghề nghiệp hiện nay rất rườm rà, phức tạp do phải gắn việc xác định bệnh nghề nghiệp với kết quả đo môi trường lao động. Trong khi thực tế, hiện nay rất ít doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh công tác này. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị thành lập Quỹ bồi thường tai nạn lao động để khi có tai nạn xảy ra sẽ kịp thời bồi thường cho người lao động.
Quy định về điều tra tai nạn lao động cũng còn những điểm không hợp lý. Lãnh đạo Sở LĐ-TB & XH Quảng Ninh cho rằng: “Thời gian điều tra lập biên bản rất kéo dài, ảnh hưởng đến việc người lao động hưởng quyền lợi”. Ông Tân dẫn chứng, theo quy định hiện hành, khi có tin báo của nơi xảy ra tai nạn chết người, đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh đến ngay cơ sở xảy ra tai nạn để phối hợp với cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành điều tra tại chỗ. Sau khi cơ quan công an và Viện Kiểm sát nhân dân thụ lý, kết luận xong mới chuyển hồ sơ cho đoàn điều tra tai nạn lao động tiến hành điều tra, lập biên bản. Như thế, thời gian điều tra và lập biên bản kéo rất dài ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ cho thân nhân người bị tai nạn.
Để giải quyết chế độ của người lao động sau khi bị tai nạn lao động, theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB & XH TP Hồ Chí Minh, nên thành lập một quỹ bảo hiểm cho người lao động bị tai nạn lao động. Bởi theo ông Việt, trên thực tế, có những trường hợp là các cá nhân thuê mướn lao động, các công trình xây dựng thông qua các nhà thầu, khi tai nạn xảy ra, việc bồi thường không được thỏa đáng do đôi khi người lao động ở thế bất lợi khi thương lượng với chủ sử dụng lao động trong các vụ tai nạn lao động.