Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong năm 2012, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trên các lĩnh vực.
Hoạt động của ngành Tư pháp đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ KT-XH, có trọng tâm trọng điểm. Nổi bật là việc xây dựng thể chế pháp luật có chuyển biến tích cực, việc đôn đốc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giảm nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm.
Toàn ngành đã thẩm định để ban hành văn bản trên 10.000 dự thảo văn bản để giúp cấp có thẩm quyền ban hành cũng như có đóng góp quan trọng vào việc tổng kết thi hành Hiến pháp. Công tác thi hành án dân sự, xã hội hoá hoạt động công chứng có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận.
Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở nhiệm vụ chung của đất nước, ngành cần nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành thể chế, dành ưu tiên cao cho việc xây dựng thể chế, chính sách, phản ứng chính sách thực sự hiệu quả. Hoàn thiện thể chế, chính sách cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Tư pháp chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh, đồng thời đôn đốc việc ban hành và thẩm tra kịp thời, có chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Trong đó, hết sức lưu ý các thông tư hướng dẫn nhằm hạn chế thấp nhất những quy định không phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo đối với công tác tư pháp, xây dựng thể chế chính sách, ban hành văn bản pháp luật. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng lấy ví dụ, việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai phải khắc phục được những bất cập, bức xúc trong nhân dân như vấn đề thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Một vấn đề khác mà ngành Tư pháp cần lưu ý, khắc phục là quy trình thủ tục xây dựng thể chế lâu nay còn chậm, có những văn bản pháp luật nhận thấy không phù hợp nhưng việc sửa đổi của các Bộ, ngành vẫn chưa theo kịp yêu cầu.
Mặt khác, đánh giá tác động chính sách khi ban hành phải có tính dự báo. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay, nội dung thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ tập trung về mặt pháp lý, chưa chú trọng đến khía cạnh KT-XH của dự thảo…
Công tác cải cách thủ tục hành chính đã có kết quả đáng mừng, tuy nhiên việc kiểm soát các thủ tục mới cần được rà soát chặt chẽ hơn nữa. Bộ Tư pháp cần xây dựng sớm đề án thủ tục hành chính về giấy tờ của công dân…
Thủ tướng cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo đối với công tác tư pháp, xây dựng thể chế chính sách, ban hành văn bản pháp luật. Đây là yêu cầu hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước bằng thể chế, chính sách. Lâu nay, có hiện tượng một số lãnh đạo “khoán trắng” công tác này cho cơ quan chuyên môn.
Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao năng lực, trách nhiệm của bộ máy làm công tác tư pháp; rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, kể cả chính sách thu hút nhân tài để làm tốt hơn nữa vai trò của ngành Tư pháp trong tình hình mới.
Thủ tướng cũng đề nghị Hội nghị cần chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư pháp.
Các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thể hiện rõ hơn vai trò “người gác cổng”
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, năm qua Bộ đã tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, HĐND và UBND cấp tỉnh tổng kết công tác thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật – một ưu tiên hàng đầu, khâu đột phá trong chỉ đạo, điều hành KT-XH.
Đối với công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, năm qua, Bộ Tư pháp đã thể hiện rõ hơn vai trò “người gác cổng” trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ Trung ương đến địa phương.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai hiệu quả, hoàn thành việc đơn giản hoá hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hoá 3.799 thủ tục hành chính trong tổng số 4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận những tồn tại, yếu kém, trong đó, đáng lưu ý là hiện tượng khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tiếp tục tăng so với năm 2011, nhất là số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm. Số cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật, khởi tố hình sự tăng so với cùng kỳ năm 2011.
Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, còn có văn bản có dấu hiệu trái luật chưa được xử lý kịp thời. Việc kiểm tra văn bản của cấp huyện, xã còn nhiều bất cập...
Việc theo dõi thi hành pháp luật chưa tạo được chuyển biến mạnh, mang tính đột phá, vẫn còn lúng túng trong việc triển khai, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra văn bản. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục, trong đó có việc ban hành các Thông tư…
Lê Sơn - Nhật Bắc
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn