Không được ủy quyền ký quyết định cưỡng chế
Theo ông Quang, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung quy định việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tăng cường sự tham gia của người dân và đảm bảo dân chủ.
Dự thảo cũng bổ sung quy định người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và không bị hạn chế về quyền sử dụng đất trong trường hợp các dự án, công trình đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất và đã công bố phải thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; bổ sung quy định thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo hướng chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất là người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế; người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì không được ủy quyền.
Dự thảo quy định rõ các khoản hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở…
Vẫn cần công chứng các hợp đồng giao dịch
Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, hiện vẫn còn hai loại ý kiến về vấn đề này. “Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực; trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên” - ông Giàu cho hay.
“Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định của dự thảo luật không bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất”.
“Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký này đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Nếu bắt buộc phải có công chứng các hợp đồng sẽ gây khó khăn cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất”.
Quan điểm của thường trực Ủy ban Kinh tế không nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Theo hai ông, đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân phải đặt lên trên hết.
“Giữa công tác công chứng và đăng ký tại văn phòng đăng ký bất động sản là khác nhau. Không thể lý giải việc đăng ký tại văn phòng đăng ký bất động sản là đã đảm bảo các yếu tố pháp lý cho hợp đồng giao dịch. Việc công chứng, chứng thực giúp người dân phòng tránh các rủi ro pháp lý trong quá trình giao dịch”- ông Tụng nói.
“Đăng ký tại văn phòng là để Nhà nước quản lý mảnh đất đó, theo dõi biến động của đất đai. Còn công chứng thì khác, đó là yêu cầu về mặt dân sự, pháp luật dân sự cũng đã yêu cầu bắt buộc đối với các giao dịch bất động sản”- ông Lý bổ sung.
Tác giả bài viết: Lê Kiên
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn