Ám ảnh vì hình ảnh
Cứ nghĩ lại chuyện đi viếng đám tang chồng của cô bạn đồng nghiệp tên là Minh trong cơ quan, chị Nguyên Trang không khỏi rùng mình. Người quá cố bị tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến khuôn mặt bị biến dạng và mất ngay sau khi vào bệnh viện ít phút. Gia đình người bị nạn nén nỗi đau tổ chức an táng. Như bao tang gia khác, gia đình Minh đã để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài vì không muốn rời xa cũng như muốn níu giữ hình ảnh người thân bên mình.
Theo phong tục của nhiều địa phương trên cả nước, khi đi viếng đám tang, dù là người thân hay khách đều đi quanh linh cữu, nhìn và từ biệt người từ trần lần cuối qua ô kính. Chị Trang cũng như những vị khách khác đã nhìn và từ biệt người từ trần. Ngay lập tức, chị Trang hoảng hồn vì khuôn mặt của người từ trần bị biến dạng khủng khiếp mặc dù nhà tang lễ đã hóa trang phần nào. Khuôn mặt biến dạng ấy đã khiến chị Trang bị ám ảnh sợ hãi và chị biết, rất nhiều khách đến viếng cũng có tâm trạng như chị.
Có không ít những trường hợp vì lý do nào đó, gia đình người quá cố chưa thể tổ chức tang lễ được nên đã gửi người quá cố vào nhà lạnh. Sau đó vài ngày, tang gia mới tổ chức tang lễ. Người quá cố khi đang ở nhiệt độ lạnh, khi ra nhiệt độ thường, cơ thể bị phân hủy nhanh chóng làm biến dạng cũng như ảnh hưởng môi trường xung quanh nơi tang lễ. Đối với tang gia thì dường như họ quá thương tiếc người quá cố nên không để ý tới việc này nhưng đối với những khách tới viếng thì đây là sự ám ảnh lớn khi họ “ngắm” người quá cố và hít thở bầu không khí bị ô nhiễm.
Cải sửa việc lễ tang
Đây cũng là hai trong những lý do cho việc ra đời quy định “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Ông Hồ Chí Hùng- Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ VV-TT&DL) cho hay: “Ngoài những lý do đó ra, việc lắp ô kính trên quan tài còn có thể gây ra sự cố như vì vận chuyển hay lý do va đập, ô kính có thể bị vỡ và những mảnh vỡ ấy rơi vào mặt người quá cố. Điều này càng gây sự đau buồn và tâm lý không tốt cho gia đình người quá cố”.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2013 và thay thế Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần.
Ngoài quy định trên, Nghị định còn có 6 Chương và 60 Điều. Nghị định có các quy định Trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng, không rắc vàng mã và các loại tiền do NHNN Việt Nam phát hành và ngoại tệ, không đốt đồ mã tại nơi an táng.
Quy định về vòng hoa viếng cũng được thay đổi, yêu cầu Ban tổ chức lễ tang chuẩn bị một số vòng hoa luân chuyển tại các lễ tang theo quy định để các cơ quan đơn vị đến viếng. Theo đó, mỗi đám tang không quá 7 vòng hoa, Ban Tổ chức lễ tang sẽ chuẩn bị 2 vòng hoa đặt cố định 2 bên bàn thờ; chuẩn bị 5 vòng hoa luân chuyển. Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m có dòng chữ “Kính viếng” và dòng nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức.
Trường hợp tổ chức Lễ viếng tại gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần phải được khâm niệm vào linh cữu và đảm bảo vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh lây nhiễm. Linh cữu được để không quá 48 giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng.
Trong thời gian tổ chức Lễ viếng tại gia đình không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang.
Thứ trưởng Bộ VH -TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết, Nghị định mới về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức do Chính phủ ban hành là cần thiết nhằm đảm bảo tính trang trọng và đảm bảo vệ sinh môi trường kế thừa nét đẹp truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Tác giả bài viết: T.Dương
Nguồn tin: phapluatvn.vn