Kết hôn từ tuổi 15…
|
Điều 6 luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000 quy định “trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại luật này thì được tôn trọng và phát huy”. Tuy nhiên theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), do chưa có quy định giải quyết nên việc áp dụng phong tục tập quán không thống nhất tại các địa phương đã gây bất bình đẳng cộng đồng dân cư.
Ông Sơn dẫn chứng: ở nhiều vùng núi, người dân tộc kết hôn khá sớm, nam nữ cứ đủ 15 - 16 tuổi đã có thể lấy nhau và sinh con đẻ cái mà không được đăng ký kết hôn. Phong tục, tập quán đó đã được người dân duy trì từ bao đời nay, việc luật HN-GĐ quy định cứng nhắc nữ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi mới được kết hôn đã khiến họ bỏ ngoài tai quy định. Nếu chẳng may phát sinh mâu thuẫn, gia đình cô gái chỉ cần làm đơn gửi tới cơ quan công an là chàng trai ấy có thể bị bắt, đi tù vì quan hệ với trẻ em, người chưa đủ tuổi vị thành niên.
“Đã có rất nhiều người phải đi tù vì phong tục tập quán kiểu như vậy. Vì thế phải có quy định mềm cho phép áp dụng phong tục tập quán của địa phương, dân tộc để đảm bảo sự bình đẳng. Như thế sẽ phải cho phép nhiều dân tộc, khu vực đủ 15 - 16 tuổi có thể kết hôn. Tất nhiên đó là khu vực nào, dân tộc nào thì phải có điều tra xã hội học. Việc đó không khó”, ông Sơn nói.
“Chia tài sản” trước khi cưới
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật HN-GĐ hiện hành là chế độ tài sản pháp định (tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo căn cứ pháp luật; vợ chồng có quyền thỏa thuận về tài sản riêng, tài sản chung và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân), mà không thừa nhận chế độ tài sản ước định (thỏa thuận của vợ chồng trước hôn nhân). Theo các chuyên gia, quy định này không những không đảm bảo quyền tự định đoạt của người có tài sản theo pháp luật dân sự mà còn gây ra nhiều hệ quả không đáng có khác như: không đảm bảo được sự minh bạch trong giao dịch; không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; không tạo ra căn cứ pháp lý đầy đủ và rõ ràng để giải quyết các tranh chấp về tài sản trong quan hệ hôn nhân, gia đình.
|
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết đã từng rất đau đầu khi đứng ra giải quyết giúp những vụ ly hôn của những cặp vợ chồng có khối lượng tài sản lớn. Hiện rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng chế độ tài sản ước định mà trong đó căn cứ, nguồn gốc, thành phần các loại tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận. Thỏa thuận này được lập thành văn bản trước khi đăng ký kết hôn (hôn ước) và chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân.
Ông Anh cho rằng hôn ước tạo điều kiện cho vợ chồng tự chủ hơn trong việc quản lý tài chính, hoạch định tương lai (thậm chí tương lai bao gồm cả việc ly hôn). Hầu hết các ý kiến trong Hội đồng khoa học cũng đồng tình với việc luật HN-GĐ sắp tới phải cho phép xác lập chế độ tài sản ước định.
Vợ chồng đồng giới Riêng vấn đề liên quan đến nhu cầu kết hôn giữa những người cùng giới tính, Hội đồng khoa học đề xuất sửa quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” theo hướng mềm dẻo hơn bằng cách không sử dụng từ “cấm” mà sử dụng từ “không thừa nhận”. Đồng thời bổ sung quy định về hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính và cách thức giải quyết các hậu quả đó. Như vậy người đồng tính có thể tổ chức cưới và sống chung với nhau mà không sợ bị các cơ quan kiểm tra, xử phạt như thời gian qua. |