Một người thể hiện hành vi kích động người khác tự sát, dụ dỗ, lừa dối để người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát có thể bị khởi tố, truy tố, xét xử về hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát quy định tại Điều 101 BLHS như sau: “1. Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Quốc Việt đã nêu một ví dụ thực tế gây không ít tranh luận: Tại một bệnh viện, tập thể y, bác sỹ sau khi bàn bạc đã đi đến một quyết định rất táo bạo là cắt thực quản của bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, lấy một đoạn ruột non của chính bệnh nhân đó để thay vào chỗ bị cắt bỏ.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân thấy khỏe ra, không còn đau đớn gì nữa, nhưng sau hai tuần thì bệnh nhân này yếu dần và tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, có ý kiến ủng hộ cách làm này, cho rằng với mong muốn chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, các y, bác sỹ đã thực hiện ca phẫu thuật với tất cả tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Ngược lại, có quan điểm xem đây là hành vi vô ý làm chết người do quá tự tin, mặc dù bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo và cái chết đối với người này là khó tránh khỏi, song do cuộc giải phẫu mà làm bệnh nhân chết sớm hơn là cứ để điều trị thông thường. Vậy, trong trường hợp này, các y, bác sĩ có phải chịu trách nhiệm hình sự không, bởi pháp luật không thể tồn tại “hai cách hiểu”?
Thực tế còn có trường hợp “giúp” người muốn chết thực hiện được nguyện vọng của họ. Đây là tình huống khá nhạy cảm, nhưng nhiều nước trên thế giới đã phi hình sự hóa hành vi giúp người khác tự sát (khi giúp người khác được chết theo nguyện vọng do mắc bệnh hiểm nghèo lâu ngày, lấy cái chết để giải thoát thì người giúp người chết không bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Ông Việt cho rằng, loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp có thỏa thuận, đồng ý, cầu xin... của người bị hại cần được xem xét để sửa đổi BLHS, nhằm đề cao tính nhân đạo của pháp luật. “Nếu vì quyền con người, cần phải đặt ra vấn đề này, có quyền sống thì tại sao không có quyền chết” - ông Việt lý giải. Đương nhiên, bên cạnh đó phải có những điều kiện cụ thể để tránh trường hợp lợi dụng làm những điều trái luân thường đạo lý.
Liên quan đến những điều khoản trong BLHS về bảo đảm quyền con người, tại cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, một số đại biểu đã đề xuất bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người giúp người khác tự sát khi người này có yêu cầu (để giải thoát họ khỏi sự đau đớn của bệnh tật).
Tác giả bài viết: Gia Lâm
Nguồn tin: phapluatvn.vn