Tòa không tuyên mất năng lực: kết hôn bình thường
Hiện nay, theo Luật Hôn nhân gia đình, thì người mất năng lực hành vi dân sự thuộc trường hợp cấm kết hôn. Tuy nhiên, một người chỉ bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Do đó, trường hợp một người tuy mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác khác dẫn tới không nhận thức, điều khiển được hành vi nhưng do không (hoặc chưa) có quyết định của Tòa án thì vẫn được xác định là có năng lực hành vi dân sự và không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc Tòa án thụ lý giải quyết theo yêu cầu cơ quan có thẩm quyền về hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm khoản 2 Điều 10 Luật HNGĐ nhưng bản thân đương sự, gia đình đương sự đã phản đối và UBND nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng đã không đồng tình với quyết định của Tòa án vì cho rằng, việc đăng ký kết hôn trong trường hợp này là đúng luật.
Như vậy, vấn đề là ở chỗ nếu không có quyết định của Tòa án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự thì làm sao biết người đó có... "vấn đề" để mà cấm kết hôn?. Trong khi năng lực hành vi dân sự không phải là cái có thể nhìn thấy...
Thực tế cũng cho thấy không có trường nào hợp cha, mẹ của người bị bệnh tâm thần lại yêu cầu Tòa án tuyên bố con mình bị mất năng lực hành vi dân sự để không được quyền kết hôn. Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là điều bất cập của quy định hiện hành về cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự.
Giao cán bộ hộ tịch "nhận diện" người tâm thần?
Thay vì quy định người mất năng lực hành vi dân sự không được kết hôn như quy định của Luật hiện hành, một phương án khác được đưa ra trong quá trình sửa đổi Luật HNGĐ theo hướng cụ thể hơn là cấm kết hôn đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức được hành vi của mình.
Bởi lẽ trong khi quy định cấm như luật hiện hành đang thiếu tính khả thi thì ngược lại, quy định nói trên sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Cán bộ hộ tịch chỉ cần căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài nếu thấy có nghi ngờ người kết hôn là không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, sẽ yêu cầu người kết hôn phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe. Thực tế, quy định cấm kết hôn giữa những người đang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức đã được duy trì trong Luật HN-GĐ năm 1986.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu quy định cán bộ hộ tịch chỉ căn cứ vào biểu hiện bên ngoài của người đến đăng ký kết hôn thì rất có thể làm khó cho cán bộ hộ tịch bởi lẽ thời gian đến đăng ký kết hôn là rất ngắn, trong khi các biểu hiện về tâm thần thì không dễ phát hiện. Ngược lại, cán bộ hộ tịch có thể dùng chính quy định này để "khó dễ" cho người dân, trong khi luật lại chưa có cơ chế buộc xuất trình giấy khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Có ý kiến đề nghị để khắc phục bất cập nêu trên, Luật cần quy định việc kiểm tra sức khỏe và có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi kết hôn là điều kiện bắt buộc khi đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng "việc đòi hỏi giấy chứng nhận sức khỏe sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân khi họ đi đăng ký kết hôn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa mà việc đi lại đến cơ sở y tế có thẩm quyền rất khó khăn.
Trong xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay, chúng ta lại càng không thể đặt ra yêu cầu về giấy chứng nhận sức khỏe". Vì thế, việc giao "trọng trách" nhận diện người tâm thần cho cán bộ tư pháp, chính quyền địa phương là hết sức nặng nề và phải có những quy định chặt chẽ mới có thể thực hiện được.
Quá trình lấy ý kiến sửa đổi Luật HNGĐ, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ và chi tiết đối với trường hợp có dấu hiệu bị mất năng lực hành vi dân sự, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét trước khi cho đăng ký kết hôn. Điều 10 cần quy định rõ, chi tiết hơn, ngoài Tòa án có thẩm quyền tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự, cần quy định thêm một số cơ quan khác ở địa phương biết rõ tình trạng của người đó để công nhận hoặc căn cứ vào bệnh án, tình hình thực tế để quyết định. |
Tác giả bài viết: Bình An
Nguồn tin: phapluatvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn