Luật xếp hàng chờ nghị định, thông tư
Thứ hai - 15/04/2013 21:25
Chiều 15.4, UBTV Quốc hội đã có phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Phiên thảo luận diễn ra khá căng thẳng khi các thành viên của QH đã chỉ ra nhiều bất cập, đặc biệt là việc luật đã ban hành, có hiệu lực nhưng vẫn không thể thực thi vì thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn.
Luật đã rõ nhưng không thể thi hành
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai nêu thực trạng “Các luật thông qua đều phải chờ nghị định” mà “Chưa thấy luật nào ngày hôm nay có hiệu lực là đi ngay vào cuộc sống”. Bà Mai dẫn chứng câu chuyện chính sách cho người có công, bao gồm 3 khoản phụ cấp: “Trợ cấp hằng tháng cho người bị tù đày”, “người bị chất độc da cam”, “người phục vụ bà mẹ VN anh hùng” đã có hiệu lực từ 1.9.2012, đã bố trí ngân sách nhưng vẫn không thực hiện được.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội thì có một nguyên nhân mang tính chất “quán tính” khi các cấp chính quyền địa phương, trong vai trò thực thi lại “đang chờ nghị định”. Nếu không có nghị định thì luật gì, dù luật nguyên tắc hay có những điều luật cụ thể cũng phải “xếp hàng chờ nghị định”. Và “nếu không có nghị định thì việc tổ chức thực hiện xem như án binh bất động”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng rất đồng tình với nhận định của Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Chủ tịch Quốc hội bức xúc: “Chỉ có 1 khoản trợ cấp thôi (đối với người có công). Khi (QH) bàn đã nói không để đến 1.1 năm nay mà phải làm ngay từ 1.7.2012. Các đồng chí nói sợ gấp quá để đến 1.9.2012. Đến giờ tại sao vẫn không thi hành? Lý do gì(?!). Theo chủ tịch, đây là loại mà “luật đã rõ rồi nhưng không thể thi hành”.
Chủ tịch QH cũng nói thêm rằng ngoài vấn đề chờ nghị định, còn thêm “cái đoạn thông tư. Chưa biết bao giờ mới hướng dẫn”.
Một nghị quyết để sửa một điều trong một luật
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ ra một nghị quyết riêng về Điều 170 Luật Doanh nghiệp.
Từ tháng 7 năm ngoái, những cảnh báo về việc hàng ngàn DN FDI đối mặt với việc phải ngừng sản xuất kinh doanh do không tuân thủ quy định về đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp đã được đưa ra. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 27 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại TPHCM với tổng vốn đầu tư là 672 triệu USD và vốn điều lệ 634,4 triệu USD hết hạn hoạt động vào cuối năm 2012. Đồng thời, có tới 3.000 doanh nghiệp khác chưa tiến hành đăng ký lại mặc dù thời hạn đăng ký lại đã hết vào ngày 1.7.2012.
Theo phương án của Chính phủ, hoặc QH ban hành nghị quyết bỏ khoản 2, Điều 170 mà không chờ sửa Luật Doanh nghiệp hoặc Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các doanh nghiệp FDI tiếp tục được đăng ký lại cho đến khi sửa Luật Doanh nghiệp.
Trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích về việc “nghị quyết sửa luật”, rằng: “Nguyên tắc là luật sửa luật. Nhưng trong chương trình năm 2014, Chính phủ cũng dự kiến báo cáo Luật Doanh nghiệp sửa đổi toàn diện”. Theo ông, đó là lý do phải “cân nhắc” khi “năm 2013 sửa 1 điều (170), đến 2014 lại sửa toàn diện (Luật Doanh nghiệp).
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng đỡ lời: “Chờ sửa Luật Doanh nghiệp thì lâu quá. Uỷ ban Pháp luật đề nghị QH cho gia hạn. Nhưng tôi đề nghị nên có NQ của QH, dù chưa có tiền lệ, để giải quyết cấp bách những vấn đề của thực tiễn. Nếu chúng ta không tạo điều kiện, các DN bỏ, ảnh hưởng đến cơ nghiệp quốc gia”.
Đầy bức xúc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: “Chúng ta làm không có sự phối hợp với nhau. Nước thì bắc lên rồi mà gạo thì không có”.
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn